Phúc thẩm vụ dân chết ở CA xã: Y án tù treo các bị cáo CA

Ngày 13-6, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên phúc thẩm xử các bị cáo công an liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Văn Long từ hơn bốn năm trước tại Công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Hai bị cáo Phạm Văn Tự - nguyên trưởng Công an xã và Phạm Hùng Cường - nguyên phó Công an xã Bom Bo bị truy tố và xét xử về tội giữ người trái pháp luật.

Điều bất ngờ là tại phiên phúc thẩm, nguyên phó công an xã Phạm Hùng Cường lại ra tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. HĐXX phúc thẩm giải thích do bị cáo Cường được người bị hại có đơn bãi nại, không có đơn kháng cáo nên tòa không xử phúc thẩm bị cáo.

Phiên tòa có cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước đến dự theo chỉ đạo của lãnh đạo ban này.

Bị bắt lên xã rồi chết bí ẩn

Theo cáo trạng, ông HVT (ngụ cùng thôn) tố cáo ông Nguyễn Văn Long đã nhiều lần hiếp dâm em M. (sinh năm 1995, cháu ngoại ông T.). Nhận được tin báo, ông Phạm Văn Tự, khi đó là trưởng công an xã, đã phân công Phạm Hùng Cường, phó công an xã, thụ lý xác minh.

Ông Cường đã lấy lời khai em M. và ký giấy giới thiệu cho em M. đến bệnh viện huyện khám và xin cấp giấy y chứng. Ngày 22-12-2009, bệnh viện đã cấp giấy y chứng xác định màng trinh em M. có vết rách cũ, giãn rộng. Khoảng 18 giờ ngày 22-12-2009, Cường cùng một số công an viên phối hợp lực lượng xã đội đến nhà mời ông Long về trụ sở công an xã và tạm giữ lại qua đêm…

Nguyên phó công an xã Phạm Hùng Cường đang trả lời tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người ngồi bên phải là bị cáo Phạm Văn Tự, nguyên trưởng Công an xã Bom Bo. Ảnh: NĐ

Sáng 23-12-2009, Phạm Văn Tự vào kiểm tra phát hiện ông Long chết tại buồng tạm giữ hành chính. Biên bản giám định pháp y ngày 25-2-2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: Nạn nhân có bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu nhẹ dưới da đầu sát màng xương sọ. Nạn nhân tử vong do xuất huyết nội sọ.

Sau đó, Tự và Cường bị khởi tố về tội giữ người trái pháp luật. VKS ra cáo trạng truy tố nguyên trưởng và phó công an xã theo khoản 3 Điều 123 BLHS (hình phạt từ ba năm đến 10 năm tù).

Ngày 15-11-2013, TAND huyện Bù Đăng đã tuyên phạt bị cáo Tự 18 tháng tù, bị cáo Cường 15 tháng tù, cả hai đều được hưởng án treo.

Bản án này gây phản ứng trong dư luận vì mức án quá nhẹ, cái chết bí ẩn của nạn nhân chưa được giải thích thuyết phục. Vợ ông Long đã kháng cáo và gửi đơn đến nhiều nơi kêu oan cho cái chết của chồng.

“Không làm rõ nguyên nhân cái chết”

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS tỉnh Bình Phước khẳng định cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử đúng người, đúng tội và có căn cứ pháp luật. Tranh luận, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM, bảo vệ quyền lợi của gia đình nạn nhân) nói: “Đây là vụ việc công an lạm quyền, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng việc xử lý không nghiêm, có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm. Cấp sơ thẩm truy tố và xét xử hai bị cáo theo khoản 3 Điều 123 BLHS có khung hình phạt từ ba năm đến 10 năm tù mà tòa án chỉ xử phạt tù treo hai bị cáo là điều không ngờ, khó tưởng nổi”.

Luật sư Phúc nêu: “Các cơ quan tố tụng huyện Bù Đăng chỉ giải quyết một phần vụ án, tức chỉ xử lý sai phạm của hai cán bộ công an trong việc giữ người mà chưa xử lý nguyên nhân và hậu quả đối với cái chết của ông Long. Một án mạng xảy ra tại trụ sở công an mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước và Công an huyện Bù Đăng không trả lời được câu hỏi vì đâu nạn nhân chết, chết do bị đánh hay tự sát thì chỉ có thể lý giải sự việc này là có sự bao che hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án”.

Luật sư đặt vấn đề vụ án đã bị cơ quan điều tra tách rời thành hai phần (các cơ quan tố tụng huyện Bù Đăng xử lý hành vi giữ người trái pháp luật của Tự và Cường, còn Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước thì điều tra, xác minh nguyên nhân gây ra cái chết của ông Long). “Cách tách vụ án khiến cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, thiếu toàn diện, tạo sự khập khiễng và có nguy cơ cho chìm xuồng nguyên nhân làm chết người. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã làm gì trong hơn bốn năm qua trước cái chết của công dân Long tại trụ sở Công an xã Bom Bo? Cơ quan này đã điều tra bằng cách nào trong hơn bốn năm qua, khi mà vụ án giết người hay làm chết người trong khi thi hành công vụ không được khởi tố?” - luật sư Phúc chất vấn.

Theo luật sư, trong hồ sơ vụ án giữ người trái pháp luật mà các cơ quan tố tụng huyện Bù Đăng giải quyết lại không có các tài liệu liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Văn Long như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, các kết luận giám định pháp y và giám định kỹ thuật hình sự...

Trước nhiều khuất tất cần làm rõ, luật sư Phúc đề nghị: HĐXX cần xử hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cơ quan điều tra cấp tỉnh để làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của ông Nguyễn Văn Long và khởi tố, xử lý đúng người, đúng tội, không để bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.

Vẫn đang làm rõ cái chết của nạn nhân

Tranh luận về đơn bãi nại đối với ông Cường, luật sư Phúc cho rằng do hiểu biết pháp luật của vợ người bị hại còn hạn chế, lại không biết chữ nên khi có người viết đơn bãi nại cho ông Cường (vì ông này hứa sẽ khắc phục hậu quả) rồi đưa để ký thì vợ nạn nhân Long đã ký. Luật sư đề nghị tòa phúc thẩm xem xét làm rõ tình tiết này.

Tại tòa, ông Cường cho rằng ông không tư vấn hay hướng dẫn gì, ông cũng đã nộp cơ quan chức năng 5 triệu đồng để hỗ trợ, còn việc vì sao bà Sang chưa nhận được số tiền trên thì ông không biết. (Đến nay vợ nạn nhân Long vẫn chưa nhận được tiền bồi thường của bị cáo Cường.)

HĐXX cho rằng do vợ nạn nhân Long đã điểm chỉ vào đơn bãi nại cho ông Cường nên HĐXX không xem xét. Còn về nguyên nhân cái chết của nạn nhân Long, hiện cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ và xét xử ở một vụ án khác.

Cuối cùng, HĐXX nhận định án sơ thẩm tuyên là có căn cứ pháp luật, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho hai bị cáo Tự, Cường của cấp sơ thẩm là phù hợp, có căn cứ pháp luật. Từ đó, tòa tuyên y án sơ thẩm 18 tháng tù treo đối với bị cáo Tự. Ngoài ra, tòa còn đề nghị UBND xã Bom Bo có trách nhiệm bồi thường 226 triệu đồng (tăng 15 triệu đồng so với án sơ thẩm) cho gia đình nạn nhân.

NGUYỄN ĐỨC – THANH TUYỀN

Tòa viện dẫn thông tư chưa hiệu lực để ngăn phóng viên

Trước khi phiên tòa diễn ra 30 phút, phóng viên (PV) báo Pháp Luật TP.HCM đã xuất trình thẻ nhà báo với thư ký phiên tòa để làm thủ tục tham dự phiên tòa và tác nghiệp. Tuy nhiên, khi tòa bắt đầu xét xử, PV chụp ảnh bị cáo và người nhà người bị hại thì chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Đình Loan, đã đề nghị PV không tác nghiệp.

Lý do Thẩm phán Loan đưa ra: “Nhà báo phải xuất trình ngoài thẻ nhà báo còn phải có giấy giới thiệu theo thông tư về nội quy phiên tòa của TAND Tối cao ban hành” (Thông tư số 01/2014 của TAND Tối cao - PV).

PV trả lời: “Tôi đã xuất trình thẻ nhà báo để đăng ký tham dự phiên tòa, còn thông tư mà chủ tọa viện dẫn đến ngày 16-6 tới đây mới có hiệu lực”.

Thẩm phán Loan im lặng. Sau đó PV tiếp tục tác nghiệp mà không có bất kỳ sự ngăn cản nào.

Bị cáo Tự nói hối hận

Phúc thẩm vụ dân chết ở CA xã: Y án tù treo các bị cáo CA ảnh 2

Bị cáo Phạm Văn Tự (phải) nói mình rất hối hận vì để xảy ra cái chết của anh Long và xin lỗi gia đình anh. Ảnh: NĐ

Trả lời phóng viên, bị cáo Phạm Văn Tự, nguyên trưởng Công an xã Bom Bo, nói: “Tôi hối hận vì với trách nhiệm là người đứng đầu công an xã mà để xảy ra vụ việc chết người. Hôm đó tôi không trực mà anh Cường phó công an xã trực. Tôi không rõ nguyên nhân anh Long chết nhưng tôi không nghĩ anh em bức cung hay nhục hình. Tôi cũng xin lỗi gia đình anh Long. Còn anh Sơn chủ tịch xã ngay sáng hôm sau ký quyết định tạm giữ anh Long thì lúc này công an đã phát hiện anh Long tử vong”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm