BÌNH MINH CẢI CÁCH Ở MYANMAR - BÀI 1

Thein Sein - người “kiến trúc sư” đổi mới

Là đại diện của Myanmar tại hầu hết các diễn đàn quốc tế, trong đó có các sự kiện trọng đại của ASEAN, ông Thein Sein dần dần trở thành bộ mặt của chế độ. Năm 2009, ông trở thành lãnh đạo đầu tiên của Myanmar thăm Hoa Kỳ kể từ năm 1988 khi ông tham dự phiên họp thứ 64 Đại hội đồng LHQ ở New York. 

Nhẹ nhàng, khoan thai nhưng cũng rất quyết liệt khi cần thiết, nhất là những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, đó là tính cách của ông Thein Sein.

Nho nhã và hanh thông

Ông Thein Sein sinh năm 1945 tại một làng quê nghèo khó ở vùng đồng bằng lưu vực sông Irrawaddy. Ông khởi đầu cuộc đời binh nghiệp của mình khi quyết định vào học tại Học viện Quân sự và tốt nghiệp vào năm 1968. 

Trong thời gian xảy ra cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1988 bị quân đội đàn áp dã man, ông Thein Sein là thiếu tá trong Sư đoàn bộ binh 55 thuộc khu Sagaing. Sau đó ông là chỉ huy của Tiểu đoàn bộ binh 89 đóng quân gần Kalay, cũng thuộc khu Sagaing. Năm 1989, ông được điều về Trường Sĩ quan tham mưu ở Kalaw, bang Shan. Năm 1991, ông được thăng quân hàm đại tá và là sĩ quan tham mưu bậc 1 thuộc Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang do tướng Than Shwe đứng đầu. Sau đó, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng nhưng vẫn là một cán bộ tham mưu một cách bất thường, một vị trí thường dành cho trung tá và đại tá. Điều này cho thấy tướng Than Shwe đánh giá cao Thein Sein đến mức nào. 

Thời gian sau, ông Thein Sein được điều động về làm chỉ huy Đơn vị bộ binh số 4 (tương đương sư đoàn) ở Hmawbi thuộc Phân khu Yangon vào năm 1995. Năm 1996, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Tam Giác Vàng, một khu vực tối quan trọng giáp giới các nước Lào và Thái Lan, địa bàn hoạt động của các nhóm sắc tộc nổi dậy. Đó cũng là một trung tâm buôn bán ma túy. Trong vụ xung đột biên giới với Thái Lan (phía Myanmar là thị trấn Tachilek, phía Thái Lan là Mae Sai) năm 2001, ông Thein Sein là người chỉ huy.

Sau cái chết của Trung tướng Tin Oo và một số tướng lĩnh cao cấp khác trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng năm 2001, ông Thein Sein được thăng mấy bậc. Tiếp đó, ông vừa được điều động làm chuyên gia cao cấp tại Bộ Quốc phòng, vừa được cơ cấu vào bộ máy chính quyền trung ương của Ủy ban Đoàn kết và Phát triển quốc gia (SPDC). Năm 2003, ông giữ vị trí bí thư thứ hai. Sau vụ bắt giữ giám đốc cơ quan tình báo đầy quyền lực và Thủ tướng Khin Nyunt hồi tháng 10-2004, ông Thein Sein được nâng lên bí thư thứ nhất, một vị trí quyền lực đứng hàng thứ tư trong bộ máy của SPDC. Ở vị trí này, ông đã tổ chức Hội nghị Quốc gia, sự kiện dẫn đến việc xây dựng nên hiến pháp hiện nay của Myanmar.

Thein Sein - người “kiến trúc sư” đổi mới ảnh 1

Ông Thein Sein trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3-2012 lần đầu tiên trên cương vị tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar. Trong ảnh: Tổng thống Thein Sein (trái) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN

“Vô trùng” với tham nhũng

Ông Thein Sein thành công trên chính trường là nhờ bản lĩnh thiên phú và phẩm chất trong sạch của ông chứ không “ăn may” như có người từng nói. Khi Thủ tướng Soe Win nhập viện vì bệnh bạch cầu vào tháng 4-2007, ông Thein Sein được bầu làm thủ tướng. Vị trí ấy được giữ nguyên cho đến khi ông Soe Win từ trần vào tháng 10-2007. Cũng trong thời gian này, ông Thein Sein được thăng trung tướng và sau đó là đại tướng. Tháng 4-2010, ông Thein Sein rời quân đội cùng với một số sĩ quan cao cấp khác, những người sau này khởi xướng một cuộc bầu cử theo chỉ thị của ông Than Shwe. Từ thời điểm đó đến các cuộc thăm dò tháng 11-2010, ông Thein Sein lãnh đạo Đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP), tổ chức được xem là đảng chính trị của quân đội. 

Có người cho rằng mặc dù thiếu kinh nghiệm tác chiến nhưng bù lại ông Thein Sein có mối quan hệ gần gũi với tướng Than Shwe, vì theo truyền thống, muốn leo lên những vị trí hàng đầu trong quân đội và SPDC thì kinh nghiệm chiến trường là tiêu chí số một. Thật ra ở Myanmar thời đó chỉ có một trường hợp ngoại lệ là ông Khin Nyunt, người đạt được quyền lực từ việc nắm lấy công cụ là bộ máy tình báo rộng rãi và sự “bảo kê” của nhà cựu độc tài - tướng Ne Win. 

Ông Thein Sein thì khác. Ông được bầu làm tổng thống mới của Myanmar vào ngày 4-2-2011 trong một cuộc bỏ phiếu kín đối với ba ứng viên trong Quốc hội mới. Hai người có số phiếu thấp hơn là cựu Trung tướng Tin Aung Myint Oo và nhà chính trị Shan Sai Mouk Kham đảm nhận vai trò phó tổng thống. Có một sự thật mà người phe nào cũng thừa nhận: Ông Thein Sein được bầu làm tổng thống - chứ không phải vị tướng cao hơn Shwe Mann - là một sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử Myanmar, bởi ông là biểu tượng trong sạch, được quốc tế chấp nhận.

Các sĩ quan trong quân đội Myanmar cũng như các nhà quan sát nước ngoài đều mô tả ông Thein Sein ít “dính chàm” tham nhũng so với các đồng chí, đồng đội của ông. Con cái của ông cũng ít có máu làm ăn và tuyệt đối không bao giờ bị tai tiếng, điều mà con cái của tướng Shwe Mann và các sĩ quan cao cấp khác không làm được. 

Bản lĩnh, cách tân vì tiền đồ đất nước

Ở ông Thein Sein, người ta nhận ra một con người vừa có quyền uy vừa có thiên hướng thay đổi thể chế chính trị.

Ông trải qua một thời gian dài bị bệnh tim hành hạ và phải sử dụng máy điều hòa nhịp tim. Ông cũng từng xin nghỉ hưu do điều kiện sức khỏe và tuổi tác. Một số nhà phân tích đặt vấn đề liệu ông có đủ sức phục vụ hết nhiệm kỳ năm năm hay không. Nhưng năm năm có thể là tất cả.

Là tổng thống, ông Thein Sein mặc nhiên là chủ tịch Hội đồng An ninh và Quốc phòng gồm 11 thành viên theo hiến pháp năm 2008 của Myanmar. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Nhà nước tối cao. 

Ông Thein Sein luôn “dành đầu óc” của mình cho chuyện cải cách. Ông luôn chủ trương và thực hiện đối thoại để tăng cường hòa giải dân tộc, đất nước. Trong diễn văn nhậm chức, ông nói xây dựng một quân đội hiện đại là một nhiệm vụ quan trọng nhưng y tế và giáo dục cũng phải được cải thiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, ông nhấn mạnh trước Quốc hội rằng chống tham nhũng và hối lộ sẽ là ưu tiên số một trong hành động của ông. Sở dĩ ông nói như thế vì tham nhũng là căn bệnh khủng khiếp mang “thương hiệu Myanmar” trong khi người dân nước này nghèo khổ một cách vô lý. Đó là những điều người ta chưa bao giờ nghe từ những nhà lãnh đạo gốc quân sự trước đây, trong đó có Thống tướng Than Shwe.

Trước Ủy ban Thực hiện các dự án đặc biệt mà mình là chủ tịch ngày 22-4-2011, Tổng thống Thein Sein đã trình bày sự cần thiết về cơ sở hạ tầng và cải tạo nông nghiệp. Tuy nhiên, các mục tiêu này chưa thu được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Cũng vào thời gian này, ông phát biểu trước Ủy ban Quốc gia về biên giới và dân tộc, nhấn mạnh chính phủ phải thuyết phục các nhóm dân tộc thiểu số về những ý định tốt đẹp của chính phủ; khẳng định chỉ có đoàn kết đất nước mới đảm bảo cho các nỗ lực hợp tác và phát triển và cần mềm dẻo trong quan hệ với các nước láng giềng.

Là một người theo đuổi phương châm kỹ trị, ông Thein Sein đã bổ nhiệm một hội đồng cố vấn cho tổng thống gồm ba ủy ban trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và luật pháp. Thật bất ngờ, trong Ủy ban Kinh tế mới có U Myint, một nhà kinh tế nổi tiếng và là bạn thân của bà Aung San Suu Kyi. Và mốc son mới nhất trong sự nghiệp cải tổ của ông là mở rộng vòng tay chào đón sự tham gia chính trường của đối thủ thuộc phe dân chủ Aung San Suu Kyi khiến người dân Myanmar yêu dân chủ, thế giới, nhất là phương Tây, hả dạ.

Đoạn đường sắp tới của ông sẽ đầy sóng gió. Bởi lẽ việc ông phóng thích tù chính trị và nới lỏng tự do báo chí, Internet là chuyện không thể chấp nhận được đối với các đồng đội cũ của ông trong quân đội. Trong khi đó, trong con mắt của phe dân chủ, ông vẫn là người trung thành với bộ máy do đa số người trong quân đội chiếm ghế.

KHIẾT ĐAM tổng hợp 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm