Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Không phải là xin - cho

(PLO)- Bên cạnh việc có nên đưa doanh nghiệp vào đối tượng điều chỉnh của luật, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề "dân bàn, dân kiểm tra".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước, với gần 4.000 đại biểu tham dự.

PGS Phạm Hữu Nghị (nguyên nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật, trái) và GS Nguyễn Đăng Dung (Khoa luật ĐHQG Hà Nội) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐẠI THANH

PGS Phạm Hữu Nghị (nguyên nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật, trái) và GS Nguyễn Đăng Dung (Khoa luật ĐHQG Hà Nội) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐẠI THANH

Cần đầu tư nhiều cho luật

GS Nguyễn Đăng Dung (Khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS Phạm Hữu Nghị (nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật) và một số đại biểu đều cho rằng: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở xuất phát từ Chỉ thị 30/1998 của Bộ Chính trị. Nguyên nhân là vào các năm 1997-1998, ở nhiều địa phương có tình trạng mất dân chủ, tham ô, tham nhũng và nhân dân không đồng thuận khiến hệ thống chính trị ở cơ sở rệu rã.

GS Dung nêu cụ thể hơn, trong sự kiện Thái Bình năm 1997, lúc đầu được cho là “do địch phá hoại, cán bộ hưu trí bất mãn, chống đối” nhưng sau đó có những sai phạm nghiêm trọng bị phát hiện, hơn 2.000 công chức bị xử lý và hơn 70% tổ chức Đảng tại Thái Bình bị thay thế.

“Ngay sau đó, tháng 2-1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở...” - GS Dung cho hay. Theo ông, sau đó có nhiều nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ về vấn đề này. Đến năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Nhìn nhận về dự thảo luật, GS Dung nói luật này rất chắp vá và chưa làm rõ được nhiều vấn đề theo những nguyên tắc từ Chỉ thị 30/1998 đến Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.

GS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cảm thấy “chưa hài lòng”. Theo ông, phạm vi điều chỉnh của luật hướng đến “cộng đồng dân cư thì đúng”, còn thực hiện dân chủ ở các cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp hay doanh nghiệp (DN) có lẽ nên theo hướng giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền với cơ sở thì hơn.

“Luật này vẫn còn xin - cho, tức là Nhà nước giao cho gì thì dân làm cái đó, giao cho dân có ý kiến cái gì thì dân góp ý kiến cái đó. Đổi mới cách tiếp cận đi, có nhiều cái dân muốn bàn thì sao?” - GS Sơn đặt vấn đề và nói thẳng: “Cần đầu tư hơn nữa cho luật này”.

“Luật này vẫn còn xin - cho, tức là Nhà nước giao cho gì thì dân làm cái đó, giao cho dân có ý kiến cái gì thì dân góp ý kiến cái đó…”

GS Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Doanh nghiệp có nhiều luật điều chỉnh rồi

GS Sơn cũng đề cập đến phạm vi điều chỉnh của luật, trong đó có DN. Ông nói: “Cơ quan nhà nước có nhiều luật điều chỉnh rồi, chính quyền cũng thế, DN cũng vậy. Nếu bắt công khai, minh bạch thì DN họ có những thứ không công khai được”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông cho rằng: Đưa DN vào đối tượng điều chỉnh của luật này là vấn đề rất khó, nhạy cảm, cần cẩn trọng. Chẳng hạn, với yêu cầu công khai thì liệu có bắt được DN công khai, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh hay không.

“DN bảo năm nay có nhiều khó khăn, năm trước có nhiều thuận lợi, thông báo, công khai thế có được không? Ngoài ra, bí mật kinh doanh của DN thì xử lý thế nào trong luật?” - ông Hiểu nêu ý kiến.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng trong dự luật quy định DN là đối tượng điều chỉnh là… chưa ổn. Vì theo ông Tuấn, quan hệ nội bộ trong DN đã được điều chỉnh bởi các nhóm luật về quản trị, sở hữu vốn, lao động, phòng chống tham nhũng… nên đừng buộc DN phải quàng, gánh thêm luật này.

Ông Tuấn phân tích: “Theo cách tiếp cận của dự luật thì dường như đang chỉ tập trung vào người sử dụng lao động và người lao động. Nếu là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thì bản chất đó là quan hệ hợp đồng, vận hành theo thị trường lao động, có điều khoản, thỏa thuận, có pháp luật điều chỉnh riêng”.

Ông nói thêm: Quyền quan trọng nhất của người lao động là quyền “bỏ phiếu bằng chân” (vote by feet). “Khi DN không đáp ứng được yêu cầu của người lao động như lương thấp, quản trị kém, áp lực, hay chỗ làm khác tốt hơn… thì người lao động luôn có được quyền đơn phương ngừng quan hệ, chấm dứt hợp đồng” - ông Tuấn nói.

Sau khi nêu thêm năm lý do khác về tác động của dự thảo luật này đến quyền, sự năng động của DN cũng như nguy cơ chồng chéo pháp luật, gia tăng chi phí tuân thủ… ông Tuấn nói: “Cá nhân tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sang đối tượng là DN”.

Cần làm rõ vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”

Theo ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật chưa cụ thể, rõ ràng về từng loại hình cơ sở. Tương ứng với đó là những nội dung thực hiện dân chủ để tạo lập cơ chế pháp lý hữu hiệu, phù hợp đặc điểm riêng có của từng loại hình cơ sở. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật thể hiện rõ hơn nữa về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở.

Cùng với đó, các ý kiến đều nhấn mạnh dự thảo luật cần quy định rõ hơn nữa cơ chế để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. “Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”” - ông Lê Tiến Châu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm