Kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập: Điểm sáng từ Bình Phước

(PLO)- Bình Phước ra quyết định xác minh tài sản thu nhập đối với hơn 50 trường hợp bằng cách bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hồi đầu tháng 3-2022, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ký ban hành kết luận về kết quả xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) năm 2021.

Đưa Luật PCTN “vào cuộc sống”

Trước đó, tháng 9-2021, căn cứ vào Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) và Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định về xác minh TSTN với 53 trường hợp, được lựa chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm, do Thanh tra cùng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp tiến hành.

Theo quy định, đây là những người có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm, gồm: 21 cán bộ Sở GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc; sáu người từ Sở VH-TT&DL và các đơn vị trực thuộc; 21 người ở UBND huyện Bù Đăng và các đơn vị trực thuộc; một cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ tỉnh và bốn người của Công ty Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Bình Phước.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đã quyết định xác minh TSTN với hơn 50 trường hợp, được lựa chọn ngẫu nhiên hồi tháng 9-2021. Ảnh: BP

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đã quyết định xác minh TSTN với hơn 50 trường hợp, được lựa chọn ngẫu nhiên hồi tháng 9-2021. Ảnh: BP

Việc xác minh dựa chủ yếu vào thông tin tổng hợp từ bản kê khai TSTN của những người này. Phạm vi xác minh được giới hạn ở nơi đăng ký thường trú, địa phương nơi công tác và nơi có tài sản được kê khai; chỉ xác minh thông tin về đăng ký quyền sử dụng đất, tiền gửi cá nhân, tài sản là ô tô, xe máy theo giấy đăng ký xe.

Tổ xác minh không đi vào các vấn đề tiền mặt, tài sản gắn liền với đất, tài sản khác (đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, bàn ghế, cây cảnh… có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) và cũng không xác minh nguồn gốc hình thành tài sản.

Để triển khai công tác này, tổ xác minh đã có văn bản gửi Công an tỉnh Bình Phước và hai tỉnh liền kề là Bình Dương, Lâm Đồng để xác minh thông tin về ô tô, xe máy; gửi Văn phòng Đăng ký đất đai và Ngân hàng Nhà nước ba tỉnh này để xác thực thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất, tiền gửi cá nhân.

Cuộc xác minh TSTN này không chỉ là phát hiện những trường hợp kê khai chưa đúng, chưa chính xác, mà còn là phát hiện những bất cập trong quy định hiện hành về xác minh TSTN.

Chất lượng kê khai TSTN đáng lo ngại

Tại thời điểm tiến hành xác minh, xuất hiện tình huống một trường hợp nghỉ hưu, một trường hợp khác nghỉ việc. Vì vậy, tổ xác minh chỉ tiến hành xác minh TSTN với 51 người còn lại.

Kết quả cho thấy về tài sản là phương tiện đi lại, có 3/26 người chưa kê khai đầy đủ những ô tô đang là tài sản thực tế của gia đình mình. Tỉ lệ sai sót là 12%.

Về tài sản là quyền sử dụng đất, có 5/51 kê khai còn sai sót thông tin, chiếm 10%; 7/21 chưa kê khai đúng quy định, chiếm 14%.

Đáng chú ý, về tiền gửi cá nhân, có 11/19 cá nhân không kê khai theo quy định, chiếm tới 57,8%.

Đánh giá của tỉnh là một số cá nhân, bao gồm cả người giữ chức vụ lãnh đạo, đã không chú trọng đến công tác kê khai TSTN, dẫn đến kê khai thiếu thông tin, khai sai, khai không đầy đủ, khai thông tin cũ trong khi TSTN đã có biến động.

Kết quả cuộc xác minh TSTN này được công bố tới các đơn vị, cá nhân liên quan. Các trường hợp có vi phạm, sai sót phải tiến hành kiểm điểm.

Kiến nghị từ cơ sở

Kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong Luật PCTN 2018 là phần có một số nội dung mới so với luật trước đó, trong đó xác minh TSTN với người có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm theo lựa chọn ngẫu nhiên là quy định hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, kể cả khi Chính phủ ban hành Nghị định 130/2020 quy định chi tiết về kiểm soát TSTN thì công tác này vẫn rất khó triển khai trên thực tế. Lý do là còn phải đợi Bộ Chính trị ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN để phân luồng trường hợp nào thì giao cho cơ quan nào của Đảng quản lý, trường hợp nào thì giao cho cơ quan nhà nước nào xác minh. Quy chế này tới đầu tháng 2-2022 mới được ban hành.

Vậy nên ở thời điểm tháng 9-2021, việc chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước căn cứ vào Luật PCTN và Nghị định 130, chủ động xác minh ngẫu nhiên một số người có nghĩa vụ kê khai TSTN là điều đáng hoan nghênh - theo một cán bộ Thanh tra Chính phủ.

Ý nghĩa của cuộc xác minh TSTN này không chỉ là phát hiện những trường hợp kê khai chưa đúng, chưa chính xác, mà còn là phát hiện những bất cập trong quy định hiện hành về xác minh TSTN.

Cụ thể, theo tỉnh Bình Phước, Luật PCTN và Nghị định 130/2020 chưa quy định cụ thể về phạm vi xác minh là toàn quốc, toàn tỉnh hay chỉ nơi cư trú, nơi làm việc. Các thông tin về đất đai, tiền gửi chủ yếu được thiết kế nhằm mục đích quản lý nhà nước hoặc mục đích kinh doanh của ngân hàng nên có phần khó khăn khi thu thập, truy xuất phục vụ cho việc xác minh TSTN theo Luật PCTN. Điều này cho thấy cần khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN - vấn đề đã được đặt ra trong Luật PCTN 2018.

Phạm vi kê khai theo quy định là có các khoản tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay nhưng lại thiếu phần tiền đi vay - là chưa phù hợp với thực tế tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

Được biết những phát hiện, kiến nghị này đang được Thanh tra Chính phủ ghi nhận, tổng hợp để nghiên cứu tham mưu Chính phủ tháo gỡ.

Điểm sáng Bình Phước

Trước đây, việc xác minh tài sản với người có nghĩa vụ kê khai chủ yếu chỉ được thực hiện khi có tố cáo hoặc nghi vấn về tính trung thực. Do không có nhiều tố cáo nên trong nhiều năm qua, trên cả nước rất ít trường hợp được xác minh tài sản. Việc kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn vì thế chưa được đánh giá thực chất về chất lượng, tính tuân thủ và chưa phát huy được hiệu quả khi đây được kỳ vọng là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Khắc phục bất cập này, Luật PCTN 2018 đưa vào quy định xác minh hằng năm với tối thiểu 20% tổng số cơ quan đơn vị (với các đơn vị thuộc các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính chỉ cần 10%). Trong số này tiếp tục lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức được xác minh, trong đó có ít nhất một người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

Bình Phước là địa phương hiếm hoi đã triển khai việc xác minh TSTN, kể từ khi Luật PCTN có hiệu lực, ngày 1-7-2019 đến nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm