Tuyệt kỹ võ công gia tộc Hà Trọng

Gia tộc Hà Trọng nổi danh ở Bình Định với nhiều cao thủ như cố võ sư Hà Trọng Sơn, võ sư Hà Trọng Ngự, võ sư Hà Trọng Khánh... “Hùm xám miền Trung” là biệt danh của cố võ sư Hà Trọng Sơn. Nhiều năm liền, ông gần như không có đối thủ trên võ đài.

Huyền thoại “Hùm xám miền Trung”

Võ sư Hà Trọng Sơn quê ở xã Phước An, Tuy Phước, Bình Định. Vốn có năng khiếu, ông sớm tinh thông các trường phái võ học, sử dụng nhuần nhuyễn các loại binh khí. Không chỉ giỏi võ cổ truyền, ông còn am tường võ thuật Trung Hoa và Tây phương.

Tám tuổi, ông theo học võ với một người anh họ. Về sau, Hà Trọng Sơn theo học ông Beo, người Tàu, sống ở vùng An Khê (Bình Định). Chưa tròn 17 tuổi, Hà Trọng Sơn đã thượng đài ở các giải đấu lớn. Từ những trận đánh đó, ông bén duyên với môn võ quyền Anh. Dạo ấy, một viên quan Ba người Pháp ở đồn Mang Cá (Huế) đến xem ông thượng đài, thấy ông có khả năng nên đem về Huế dạy quyền Anh.

Tuyệt kỹ võ công gia tộc Hà Trọng ảnh 1

Võ sư Hà Trọng Ngự. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Cuộc thi võ thuật Đông Dương tổ chức năm 1944 ở Đà Nẵng, ông thượng đài với võ sĩ người Pháp là Esperpaire và đoạt giải vô địch. Tiếp đó, tại Hội chợ Bình Định và Hội chợ Đà Nẵng, ông liên tiếp đoạt chức vô địch miền Trung. Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí và giới võ lâm đặt cho biệt danh là “Hùm xám miền Trung”. Thời đó, trong Nam Bộ có Kid Demsey, võ sĩ giữ chức vô địch Đông Dương nhiều năm liền. Khi võ sĩ này ra miền Trung, hai người có dịp so găng cùng nhau. Hà Trọng Sơn đã đánh hòa Kid Demsey.

Một trận đấu vang danh khác của ông là trận đấu vào đêm 17-8-1960 tại Bồng Sơn (Bình Định) với võ sĩ Ku Xam Thum, người Việt, gốc Thái Lan.

Vừa bái tổ xong, Ku Xam Thum đã xuất chiêu tấn công như vũ bão. Thân hình khá to lớn, vạm vỡ nhưng Ku Xam Thum thi triển đòn thế cực kỳ mau lẹ và linh hoạt. Ngang tài, cân sức, hai võ sĩ sử dụng hầu hết những tuyệt chiêu của mình. Qua năm hiệp đấu, họ vẫn bất phân thắng bại. Vào hiệp thi đấu thứ sáu quyết định hơn thua, Hà Trọng Sơn đã sử dụng chiêu “Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng” (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp), một thế đánh chu toàn, mạnh và chuẩn xác để kết thúc trận đấu. Một tiếng thét thất thanh vang lên sàn đài, Ku Xam Thum nhũn người ngã quỵ.

Thời gian sau, ông không thượng đài nữa mà quay về ẩn dật, truyền thụ võ thuật. Ông mất ở tuổi 90 trong những ngày cuối tháng 3-2010 tại quê nhà.

Những truyền nhân cao thủ

Năm 1970, tại Nha Trang, võ sĩ Hà Trọng Ngự (gọi cố võ sư Hà Trọng Sơn bằng bác ruột) có một trận đánh nổi tiếng với võ sĩ Trọng Dũng. Cả hai cùng trạc tuổi nhau. Trọng Dũng liên tiếp ra những đòn chân mạnh mẽ, Hà Trọng Ngự điềm tĩnh, chuyển bộ, xoay mình tránh né và phản công. Sau ba hiệp đấu, họ hòa nhau. Đó có thể coi là trận đấu hay và trận đấu sau cùng của võ sư Ngự.

Tuyệt kỹ võ công gia tộc Hà Trọng ảnh 2

Võ sư Hà Trọng Khánh. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Võ sư Hà Trọng Khánh (em ruột của võ sư Hà Trọng Ngự) cũng từng thượng đài nhiều, phần lớn là thắng và hòa. Nhưng để lại trong trí nhớ giới võ thuật là hai trận đấu với Nguyễn Thành Triều và Hồng Dung.

Nguyễn Thành Triều là võ sĩ của võ đường Nguyễn Thành Công ở Tuy Phước, Bình Định. Lúc đó võ sư Khánh khoảng 25-27 tuổi. Trận đấu diễn ra tại xã Phước Nghĩa, Tuy Phước, Bình Định.

Ông Khánh kể: “Hiệp một, tôi thi đấu dè dặt từng đòn thế, chủ yếu để thăm dò đối phương. Thành Triều đánh phủ đầu, tấn công liên tục. Thành Triều có những cú đá rất hay, cộng với đòn tay rất nhanh. Tôi né đòn, mượn lực địch để đánh địch. Hai tay kẹp kỹ để thủ thế và tìm cách nhập nội, đánh cận chiến. Tôi nghĩ cách tiêu hao địch bằng những chiêu phá bộ tấn của Thành Triều. Sang hiệp hai, đối phương xuống sức. Nắm được tình thế, tôi vừa tấn công vừa thủ. Chủ yếu dùng gối và chỏ áp sát tấn công. Nguyễn Thành Triều trở về thế phòng ngự. Sang hiệp ba, tôi đánh áp đảo và thắng”.

Trận thứ hai, ông đánh với võ sĩ Hồng Dung là học trò của thầy Năm Mãi của võ đường Hồng Khanh (Bình Định). Nơi họ so găng là võ đài ở Trường Trưng Vương, TP Quy Nhơn, Bình Định, vào ngày mồng một tết năm 1985. Hồng Dung cũng là võ sĩ lớp đàn anh của Khánh. Ở khu vực miền Trung thời đó, tay đấm Hồng Dung không có đối thủ.

Tuyệt kỹ võ công gia tộc Hà Trọng ảnh 3

Võ sư Hà Trọng Kha Vy với bài “Quyền ba chân hổ”. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Ở hai hiệp đầu, võ sĩ Hồng Dung chiếm ưu thế, ra đòn tới tấp. Sang hiệp ba, phán đoán ra chiêu thức của Hồng Dung dùng đòn đá chân trái rất hay, từng hạ nhiều đối thủ bằng đòn này, võ sư Ngự chỉ đạo Khánh phải nội nhập để đánh phá thế. Nghe lời, Hà Trọng Khánh vừa tấn công vừa thủ chờ thời cơ. Khi Hồng Dung tung ra đòn đá trái, chặt gót trái vào vùng bụng, lập tức Khánh bỏ chân trái tới, tay trái đỡ. Đồng thời, lăn tròn người nhập nội đánh hai chỏ lái liên tiếp vào bụng, xoay về thuận đánh gối phải vào vùng bụng đối phương. Ngay sau đó, Khánh tung chỏ ngay vào mặt. Trúng đòn, võ sĩ Hồng Dung choáng váng nhưng vẫn chưa bị đánh bại. Hồng Dung lại tiếp tục tung đòn chân trái, lập tức Khánh bay nhập nội cả gối chỏ vào đối phương. Hồng Dung gục tại chỗ. Khánh bay rơi nằm trên sàn đài, đập lưng trên cạnh sàn đài và rớt xuống nằm tại chỗ. Trọng tài đếm nhưng không ai đứng dậy được.

Sau nhiều chuyến phiêu bạt, tháng 2-2010, võ sư Hà Trọng Khánh đến TP.HCM dạy võ tại võ đường Hà Trọng Ngự (ở Gò Vấp), phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định.

Bí quyết truyền nghề

Một tuyệt kỹ của dòng họ này là phương pháp dạy võ theo năng lực từng võ sĩ để phát huy sở trường của từng người. Qua một thời gian tập luyện, khoảng 2-3 tháng, các sư phụ sẽ cho học trò so găng, đấu với nhau trong võ đường. Từ những trận đấu đó họ nhìn ra tố chất riêng, đặc biệt của từng học trò để bồi dưỡng, phát huy.

Từ phương pháp đó, phần lớn học trò của võ đường này đều có những tuyệt chiêu của riêng mình. Chẳng hạn như hai con trai của võ sư Khánh là Hà Trọng Hoàng Phi và Hà Trọng Hoàng Vỹ. Sở trường của Hoàng Phi là có đòn đá phá đùi, bộ tấn đối phương và đòn tay số 2, đặc biệt là đòn tay số 4 gây choáng đối phương. Hoàng Phi từng giành huy chương bạc toàn quốc tại giải CLB Boxing 2010. Với những đòn đánh đều nhau, ưu thế là đòn tay trực diện, Hoàng Vỹ từng đoạt huy chương đồng toàn thành tại giải Muay Thái.

Ngoài ra còn có võ sĩ nhí Hà Gia Lợi, con gái võ sư Khánh. Mới hơn sáu tuổi nhưng Gia Lợi đã có thâm niên theo cha học võ ba năm. Em thuộc rất nhiều bài quyền của võ phái.

Bài “Quyền ba chân hổ”

Võ sư Hà Trọng Ngự đã được sư phụ Hà Trọng Sơn truyền lại bài “Quyền ba chân hổ”. Bài quyền này có gần 200 năm trước do một người tiều phu ở khu vực Núi Bà (Bình Định) sáng tạo ra sau khi nhớ lại những đòn thế mình dùng để chiến đấu với con hổ.

Để luyện bài quyền này, võ sư Hà Trọng Ngự đã mất cả tháng trời với bao khổ luyện. Võ hổ, quan trọng nhất là bộ trảo, vì hổ chuyên dùng móng vuốt tát địch thủ. Để luyện bộ trảo, ông Sơn bắt Ngự dùng sạn đổ vào một cái chảo to, có hòa lẫn thuốc võ rồi đặt trên lửa xào nóng rồi dùng hai tay bấu, hốt cho các ngón chai lại, có độ cứng… Sau đó dùng tay chụp vô thân cây chuối, bao cát, vỏ bánh xe để luyện tay thêm sắc bén.

Để luyện thân pháp nhanh nhẹn, người tập phải đào một cái hố độ sâu ngang ngực (hoặc nách) rồi từ dưới đáy hố nhảy lên cao. Sau một thời gian phải cột thêm vào hai ống chân hai bao cát hoặc chì để luyện tăng sức nặng. Luyện thành công, võ sĩ đó có thể nhảy cao đến 2 m.

NGUYỄN THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm