Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương với Thành uỷ TP.HCM sáng 23-9, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhìn nhận TP.HCM đang đối mặt với ba khó khăn rất lớn.
Cần cải thiện mạnh mẽ về kinh tế
Theo ông Võ Văn Thưởng, kinh tế TP có chiều hướng suy giảm với chính mình, với một số địa phương khác.
Ông cho rằng hiện TP vẫn có quy mô lớn nhất cả nước nhưng chất lượng đứng đầu lại suy giảm. Ông dẫn chứng, từ năm 2015 đến nay tỉ lệ tăng trưởng GRDP của TP ngày càng suy giảm so với mức tăng trưởng bình quân cả nước. Giai đoạn 2010-2015, mức tăng trưởng GRDP của TP bằng khoảng 1,6 lần so với cả nước nhưng đến giai đoạn 2016-2020, cả nước tăng 6,8% còn TP chỉ tăng 6,4%.
Chưa kể, tốc độ tăng trưởng của TP đứng thứ 11 trong nhóm 14 tỉnh, thành có công nghiệp phát triển nhất cả nước.
“Với tốc độ này, nếu không cải thiện mạnh mẽ thì chúng ta sẽ còn tụt hậu xa hơn” – ông Thưởng nhìn nhận.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư cũng cho rằng những điểm nghẽn tăng trưởng mà cả nước nêu ra đều đang bộc lộ rõ rệt tại TP.HCM, trong đó có vấn đề hạ tầng yếu kém.
“Chúng ta mất tám năm loay hoay chưa ráp nối được vành đai 2 dù chỉ còn khoảng 3 km nữa, các hướng giao thông đối ngoại cơ bản khó khăn. Ở hướng về Bình Dương, Quốc lộ 13 nhiều năm liền không làm được; hướng ra Đồng Nai, Long Thành có cải thiện nhưng không đáp ứng được nhu cầu; hướng về Tây Ninh kẹt cứng; còn hướng về miền Tây có đỡ hơn nhưng so với yêu cầu rất hạn chế” – Thường trực Ban Bí thư tiếp tục dẫn chứng.
Ông cũng chỉ rõ, cải cách hành chính của TP không đạt được chỉ tiêu vào nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước, thậm chí các chỉ số có chiều hướng giảm. Ngoài ra, TP.HCM đã đề ra nhiều chủ trương nhưng khi thực hiện thì nhiều việc không thật sự kiên trì.
Theo ông Võ Văn Thưởng, chương trình phát triển và chỉnh trang đô thị, tổ chức lại cuộc sống hộ dân ven kênh rạch, thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, thành lập TP Thủ Đức thiếu tính đột phá và kết quả chưa rõ nét, còn nhiều tồn đọng.
Không vì khẩn trương mà làm ẩu
Trước những khó khăn trên, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị TP.HCM phải thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ TP.
Theo ông, còn nhiều xung đột trong các quy định khiến sự năng động, sáng tạo sẽ gặp nhiều rủi ro, các đột phá chưa có kết quả khách quan thì cán bộ có thể phải đối mặt với vi phạm.
“Vậy chúng ta đang đứng trước yêu cầu, hoặc chúng ta thở than với những khó khăn, vướng mắc, hoặc chúng ta cùng nhau bàn bạc tháo gỡ, vượt qua rào cản để tiến lên” – ông đặt vấn đề và đề nghị cán bộ TP.HCM cần đối mặt để tháo gỡ, vượt lên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: TTXVN |
Thường trực Ban Bí thư khẳng định, TP.HCM là nơi hội tụ của nhân tài, người lao động hay cán bộ nào trụ được lại TP cũng là người giỏi, cần được động viên, khích lệ.
TP.HCM cũng cần khẩn trương, mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thực hiện các khâu đột phá nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà người dân đang phải đối mặt.
“Trong quá trình làm phải chặt chẽ, chúng ta không lấy lý do khẩn trương mà làm ẩu” – Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị TP cải thiện các chỉ số về công tác cải cách hành chính. Mạnh dạn đề xuất thực hiện thí điểm chính sách mới, vượt trội trên một số lĩnh vực để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của TP. Cùng với đó, TP.HCM kiến nghị thật cụ thể các chính sách lớn trong quá trình tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng còn gợi mở cho TP.HCM đi đầu chính sách xã hội hoá trong y tế, giáo dục, thu hút nguồn nhân lực, hợp tác công tư. Từ đó mới có những bệnh viện chất lượng mà không xảy ra các vấn đề phát sinh.
Ông cũng lưu ý là TP.HCM cần chú trọng đến chiều sâu văn hoá vì TP là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào quần chúng thiết thực hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân. Công nhân, sinh viên, tiểu thương, lao động thời vụ, cùng đông đảo shipper… có vai trò quan trọng đối với đời sống, sự ổn định, phát triển, an ninh chính trị của TP.
“Nhiều lãnh đạo TP có thể không ăn cơm, ở nhà ngày lễ, ngày Tết nhưng đều dành thời gian ăn Tết với công nhân, sinh viên, người ở trọ, người lao động, bởi họ là một phần không thể thiếu của TP này, tạo nên bản sắc của TP” – ông nói thêm.
Kiến nghị của TP.HCM như ‘chiếc khăn piêu’
Đề cập đến sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương đối với sự phát triển của TP, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định Trung ương quan tâm rất lớn đến TP.HCM.
Theo ông, nhiệm kỳ nào Bộ Chính trị cũng có nghị quyết hoặc kết luận, gần như cứ vài tuần Tổng Bí thư lại hỏi thăm TP.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ và giải quyết các kiến nghị của TP.HCM hình như chưa kịp thời và chưa hiệu quả. Các kiến nghị của TP được đưa ra nhiều lần, nhiều nơi nhưng kiến nghị và đề nghị của TP như lời bài hát “chiếc khăn piêu”, vang rừng núi nhưng không nghe ai trả lời hoặc trả lời không đúng.
Tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP không tăng mà còn bị giảm, việc hỗ trợ nguồn thu xuất nhập khẩu chưa được thực hiện, hỗ trợ cho các dự án trọng điểm không đáng kể, ngay cả thưởng vượt thu theo luật định cũng nhiều năm không thực hiện, phân cấp, phân quyền không tương xứng, chính sách hợp tác công tư còn nhiều vướng mắc.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định đây đều là những điều được ghi trong Kết luận 21/2017 của Bộ Chính trị.
“Tôi đề nghị các cơ quan trung ương phải tích cực hơn trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của TP vì giải quyết cho TP, vì TP cũng là vì cả nước” – ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.