TP.HCM khuyến khích sở, ngành sử dụng nền tảng trợ lý ảo để phục vụ người dân

(PLO)- UBND TP khuyến khích sở, ngành sử dụng nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; khuyến khích địa phương để người dân tham gia cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP.HCM.

Bộ chỉ số nhằm để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của sở, ban ngành, các địa phương và TP.HCM trong quá trình triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số.

TP.HCM đưa vào sử dụng hệ thống đánh giá năng lực sở, ngành, địa phương vào giữa tháng 12-2022. Ảnh: THANH TUYỀN

TP.HCM đưa vào sử dụng hệ thống đánh giá năng lực sở, ngành, địa phương vào giữa tháng 12-2022. Ảnh: THANH TUYỀN

Cụ thể, bộ chỉ số đánh giá các cơ quan, nhà nước cấp sở, ngành thuộc TP.HCM gồm có sáu chỉ số chính: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số.

Bộ chỉ số đánh giá sở, ngành cũng có 32 chỉ số thành phần, với thang điểm là 330.

Trong chỉ số về nhân lực, UBND TP đưa ra các chỉ số thành phần như tỷ lệ công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số được tính dựa vào phương pháp Min-max, dựa vào tỷ lệ cao nhất thì đạt điểm tối đa và giảm dần. Cùng đó, có chỉ số về công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về an toàn thông tin mạng; số lượng hệ thống thông tin triển khai…

UBND TP cũng tính điểm dựa vào số lượng các phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng.

UBND TP cũng khuyến khích sở, ngành sử dụng nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ đạt điểm tối đa.

Sở, ngành nào có tỷ lệ giải quyết hồ sơ công việc tại các quận, huyện, TP Thủ Đức được xử lý trên môi trường mạng đạt từ 80% trở lên sẽ đạt điểm tối đa.

Với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, bộ chỉ số gồm chín chỉ số chính, chia làm hai nhóm: nhóm chỉ số nền tảng chung gồm nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng. Nhóm chỉ số hoạt động gồm hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Bộ chỉ số đánh giá quận, huyện gồm 51 chỉ số thành phần, với thang điểm là 660.

Về chỉ số thành phần xã hội số, UBND TP sẽ tính đến các chỉ tiêu về số người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử. Địa phương nào có số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 60% trở lên sẽ được điểm tối đa.

Quận, huyện, TP Thủ Đức có số người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số, hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt từ 50% trở lên sẽ được điểm tối đa.

UBND TP cũng khuyến khích địa phương để người dân tham gia vào cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền. Trong đó, hoạt động nào mà người dân tham gia giải quyết hiệu quả khi có 80% phản ánh là chính xác và được giải quyết, mỗi hoạt động hiệu quả sẽ được cộng thêm 1 điểm…

UBND TP cũng sẽ tính điểm dựa vào tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, sử dụng hợp đồng điện tử, nộp thuế điện tử…

UBND TP quy định hai cấp độ đánh giá việc thực hiện. Đầu tiên, các đơn vị sẽ tự đánh giá, cập nhật số liệu giải trình theo từng tiêu chí vào hệ thống quản lý, đánh giá chỉ số chuyển đổi số của TP. Mức điểm tự đánh giá sẽ được thể hiện tại cột “tự đánh giá” của bộ chỉ số. Hệ thống quản lý, đánh giá chỉ số chuyển đổi số của TP tự động tính toán điểm.

Sau đó, Sở TT-TT thực hiện kiểm tra, xác minh và đánh giá độc lập kết quả tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị qua hệ thống. Kết quả đánh giá của Sở TT-TT sẽ được thể hiện tại cột “kết quả đánh giá” của bảng chỉ số.

Sau khi đánh giá độc lập, Sở TT-TT tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định.

Định kỳ hàng năm, các đơn vị thực hiện cung cấp, báo cáo số liệu để phục vụ đánh giá theo hướng dẫn của Sở TT-TT. Sở TT-TT kiểm tra số liệu và đánh giá xếp hạng, trình UBND TP thông qua trong quý I của năm kế tiếp.

Kết quả đánh giá sẽ được công khai trên cổng thông tin Chuyển đổi số TP.HCM tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn

TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 cơ bản chuyển toàn bộ hoạt động của hệ thống hành chính TP lên nền tảng số. Nhiều năm qua, TP.HCM đã nỗ lực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý. Đến nay, TP.HCM về đích đầu tiên khi tiến hành số hóa 12,8 triệu hồ sơ hộ tịch.

Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 cho thấy, TP xếp hạng 3/63 tỉnh thành, tăng 2 hạng so với năm 2020. Tỉ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP năm 2022 của TP ước đạt 15,38%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm