TP.HCM: Lần đầu đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành

(PLO)- Năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) là một trong những công cụ khách quan giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định lựa chọn TP thay vì các địa phương khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-12, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022.

Phải chuyển từ tự đánh giá sang lắng nghe

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết đây là lần đầu tiên địa phương thực hiện việc đánh giá này. Dù thời gian đầu sẽ có nhiều vướng mắc nhưng các bên cần nỗ lực vì mục tiêu chung, để có kết quả đánh giá công khai, minh bạch, tạo sự hưởng ứng từ người dân, doanh nghiệp (DN).

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh việc đánh giá DDCI này mang nhiều ý nghĩa tích cực, giúp các đơn vị và địa phương nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình. Từ đó phát huy, tăng cường hoặc điều chỉnh, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực.

DDCI cũng giúp TP có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM trong những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng đại diện các DN nhấn nút khởi động DDCI TP.HCM năm 2022. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng đại diện các DN nhấn nút khởi động DDCI TP.HCM năm 2022. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói dù đi sau các tỉnh, thành khác nhưng DDCI của TP là phần mềm đánh giá mang tính khách quan, đặc thù của một đô thị lớn nhất cả nước kể cả về quy mô kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết các bài toán của xã hội.

“Đây là nội dung đánh giá mang tính khách quan, cách làm hoàn toàn mới nên tư duy phải đổi mới, phải chuyển từ tư duy tự đánh giá, tự hài lòng đến lắng nghe, thấu hiểu, đồng lòng và đột phá. Tư duy này sẽ phải chuyển thành hành động của TP.HCM” - ông Hoan nhấn mạnh.

Theo ông Hoan, muốn cải thiện môi trường đầu tư thì sở, ngành, quận, huyện phải lắng nghe và thấu hiểu DN. Ở chiều ngược lại, chính quyền cũng cần có giải pháp để DN hiểu, đồng hành và đồng lòng cùng TP.

Muốn cải thiện môi trường đầu tư thì sở, ngành, quận, huyện phải lắng nghe và thấu hiểu DN. Ngược lại, chính quyền cũng cần có giải pháp để DN hiểu, đồng hành và đồng lòng cùng TP.

Chậm một ngày là mất tiền tỉ

Ông Võ Văn Hoan yêu cầu trước khi bước vào việc đánh giá thì các sở, ngành, quận, huyện nên trao đổi lại cho kỹ, có điều chỉnh nếu thấy nó phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập nhiều hoạt động của TP hiện nay đều liên quan đến DN cả về quy hoạch, giao thông, xây dựng, tài chính, thuế… Các DN đã rất chia sẻ về những khó khăn của TP hiện nay nhưng với DN thì thời gian là rất quan trọng, chậm một ngày là mất tiền tỉ, làm mất đi cơ hội đầu tư của DN.

Từ đó, ông Hoan cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong bộ máy hiện nay khiến hoạt động của DN chững lại.

Thứ nhất là có sự “đu đưa, đùn đẩy, khiến DN thấy choáng”, trong khi DN cần con đường đi rõ ràng.

Kế tiếp, pông Hoan yêu cầu cần có sự rạch ròi về trách nhiệm. “DN không thấy trách nhiệm của mình ở đâu, còn mình ở đây không ai thấy trách nhiệm của mình cả” - ông Hoan nói và đề nghị sở, ngành có sự chấn chỉnh trong nội bộ.

Cuối cùng, ông Hoan đặt vấn đề các sở, ngành có nỗ lực để làm hay không.

“Như việc tiếp cận đất đai chậm, không rõ ràng, không minh bạch đến khi đụng vào thì nở nồi ra không chỉ trách nhiệm của Sở TN&MT mà còn nhiều sở, ngành khác” - ông Hoan nói và nhấn mạnh cả quận, huyện, chính quyền địa phương cũng cần nhìn thấy trách nhiệm của mình về việc này.•

DDCI sẽ đánh giá 25 sở, ngành TP

Tại hội nghị, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, chia sẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang có nhiều cơ hội lớn khi rất nhiều DN quốc tế đang đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Hiện nay, Việt Nam cũng gặp thách thức lớn trong quy trình thủ tục; nhiều đơn vị, cán bộ có tâm lý thận trọng trong việc phê duyệt các dự án, làm chậm trễ các thủ tục đầu tư của các DN.

Bà Marry đánh giá DDCI là một trong những công cụ khách quan giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định lựa chọn TP thay vì các địa phương khác. Từ đó, bà Marry góp ý ngoài việc “làm sạch” môi trường đầu tư để thu hút DN, TP cũng cần có giải pháp để giữ chân nhà đầu tư.

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết sẽ khảo sát khoảng 15.000 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó có 8.000 DN khối địa phương và 7.000 DN khối sở, ban ngành; số lượng phiếu khảo sát dự kiến khoảng 29.000 phiếu.

Đối tượng được đánh giá gồm 22 địa phương và 25 sở, ban ngành (16 sở chuyên ngành, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, Ban quản lý an toàn thực phẩm, Cục Hải quan, Cục Thuế, BHXH, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và Công an TP.HCM).

Đối với các đơn vị được khảo sát (các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện), lãnh đạo UBND TP cũng hy vọng các đơn vị và địa phương sẽ phát huy tinh thần cầu thị, đồng lòng phối hợp, tạo mọi điều kiện để việc khảo sát được diễn ra minh bạch và hiệu quả.

Thời gian tiến hành sẽ khảo sát từ nay đến hết tháng 1-2023. Tháng 3-2023 sẽ tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm