Ban Nội chính Trung ương: Sớm hoàn thiện các đề án về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Vụ việc ở Đắk Lắk cho thấy mặt hạn chế của công tác nội chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm do Ban Nội chính tổ chức hôm qua, 13-7, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã thẳng thắn nêu ra một số hạn chế của ngành nội chính Đảng.

Trong báo cáo sơ kết của Ban Nội chính Trung ương, ông Phan Đình Trạc đã nhắc tới vụ việc khủng bố ở Đắk Lắk và cho rằng đây là việc hạn chế về tính chủ động, nhạy bén trong nghiên cứu, tham mưu ở một số đơn vị, lĩnh vực cũng như hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình địa bàn.

Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chậm tiến độ

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Trưởng ban Phan Đình Trạc nhấn mạnh Ban Nội chính Trung ương cần tập trung hoàn thành ngay trong tháng 7 các công việc đang chậm tiến độ. Trong đó đầu tiên là ban hành và triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) về kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực này.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao cờ thi đua của Chính phủ năm 2022 cho Vụ Cải cách tư pháp. Ảnh: TTXVN

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc trao cờ thi đua của Chính phủ năm 2022 cho Vụ Cải cách tư pháp. Ảnh: TTXVN

Cũng trong nhóm công việc ưu tiên, Ban Nội chính Trung ương cần khẩn trương hoàn thành, trình Bộ Chính trị đề án tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Nội dung này cần đặt trong tổng thể nhiệm vụ tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà Ban Chấp hành Trung ương vừa qua đã nêu rõ trong Nghị quyết chuyên đề số 27.

Ở đề án này, cần lập luận thuyết phục về sự cần thiết kiện toàn hoạt động của ban chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ đạo, của cơ quan thường trực ban chỉ đạo qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Đề án này là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trải qua nhiều nhiệm kỳ vốn do Chủ tịch nước làm trưởng ban tới đây sẽ điều chỉnh như thế nào, để góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền XHCN.

Khó, mới, nhạy cảm

Ngoài các đầu công việc chậm tiến độ, cần đẩy nhanh, những tháng còn lại của năm 2023, Ban Nội chính Trung ương sẽ phải tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan, hoàn thiện, trình ký ban hành “quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”.

Đây là một đề án khó, nhạy cảm. Ban đầu Ban Nội chính Trung ương trình xin ý kiến Bộ Chính trị với phạm vi điều chỉnh hẹp hơn là kiểm soát quyền lực “để” PCTNTC… Nhưng quá trình thảo luận, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan xây dựng nhóm đề án này cần thống nhất phạm vi toàn diện hơn là kiểm soát quyền lực, PCTNTC.

Ông Phan Đình Trạc đánh giá nội hàm như vậy có phạm vi rộng hơn, nhiều nội dung mới, rất chuyên sâu, đòi hỏi phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Ngoài đề án “khó” này, trong những tháng tới, Ban Nội chính Trung ương sẽ phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án theo chương trình công tác, nhất là chương trình làm việc năm 2023 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đó là tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, mà nay Luật PCTN 2018 đã phát triển thành kiểm soát tài sản, thu nhập.

Là đề án nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; đề án cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Xây dựng đề án để chấm dứt tình trạng không dám làm

Đáng chú ý, một nhiệm vụ mới mà Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC mới giao gần đây là phải xây dựng đề án “giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Yêu cầu này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC hôm 10-5 và đưa vào nhiệm vụ đầu tiên cần làm của ban chỉ đạo. Và đến kỳ họp Quốc hội sau đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, mà như ông Trạc đánh giá là “rất đúng, trúng”.

Về công tác chỉ đạo các vụ án, vụ việc cụ thể, với tính chất cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, thời gian tới, Ban Nội chính Trung ương sẽ theo dõi, đôn đốc các vụ án, vụ việc được tách ra ở giai đoạn 2. Khẩn trương xử lý các kiến nghị, đề xuất của cơ quan, địa phương liên quan, không để kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết, nhất là các vụ việc mà Ban chỉ đạo cấp tỉnh xin ý kiến hoặc thuộc cấp độ 3.

Trong nhóm công tác nội chính sẽ phải nắm tình hình, kịp thời phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ việc tập trung đông người, gây mất ổn định trật tự, có nguy cơ thành “điểm nóng” ở các địa bàn, nhất là Thái Bình, Tây Nguyên. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xử lý đơn, thư gửi Ban Nội chính Trung ương cũng như ban chỉ đạo, khắc phục tình trạng xử lý chậm, xử lý không đúng.

Cập nhật thông tin cán bộ liên quan các vụ án...

Được định vị thuộc nhóm các ban xây dựng Đảng, Ban Nội chính Trung ương, trong sáu tháng đầu năm, đã tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, thăng quân hàm với 59 sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang.

Ban cũng tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tỉnh ủy, Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý đối với 90 nhân sự của 36 tỉnh, TP và 318 nhân sự của 32 cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Ở nhiệm vụ này, Trưởng ban Phan Đình Trạc lưu ý các vụ theo dõi lĩnh vực, địa bàn phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, bản lĩnh, chất lượng trong tham gia ý kiến về công tác cán bộ, nhất là với cán bộ cấp chiến lược.

Theo đó, phải nắm chắc tình hình các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cập nhật đầy đủ thông tin về cán bộ có liên quan đến các vụ án, vụ việc, các khiếu nại, tố cáo. Khắc phục bằng được tình trạng trả lời chậm, không đầy đủ với thông tin mà mình có trách nhiệm phải nắm, cũng như tình trạng trả lời không đúng mục đích, yêu cầu về công tác cán bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm