Quan sát nghị trường

Sợ sai sao cho… đúng?

(PLO)- Chuyện cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm lại được các đại biểu Quốc hội (QH) đề cập ở thảo luận tổ ngày 24-10.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không còn những phát ngôn kiểu “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” như ở kỳ họp trước, thảo luận lần này trực diện hơn, đi vào bản chất.

Sợ, né tránh trách nhiệm gần như bị phê phán, còn sợ sai, như phân tích của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, lại là đúng.

Nhưng sợ sai sao cho… đúng cũng là một vấn đề. Nếu sợ sai mà không làm thì… lại sai. Còn sợ sai đúng thì phải là “để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước sau, lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định”, như Chủ tịch nước nói.

Nhưng vấn đề là, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bảo, thực tế trên cả nước cứ “chiếu” pháp luật vào là sai. Nhiều phân tích đã chỉ ra là: Có khi theo luật này thì đúng, theo luật kia thì lại sai; theo văn bản dưới luật này thì hợp lý, theo văn bản pháp luật kia thì vô lý.

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường thì nêu: “Hai văn bản khác nhau thì khi vận dụng cái này thì có nội dung sai so với cái kia. Cơ quan pháp luật vào nói áp dụng sai thì anh em không dám làm đâu”. Ông Cường đề xuất Chính phủ hướng dẫn xem trường hợp như vậy thì nên áp dụng văn bản nào… thông thoáng nhất.

Nhưng có phải tất cả là tại luật không? Chủ tịch QH Vương Đình Huệ thông tin rằng: Cả Chính phủ và Thường vụ QH đã tiến hành rà soát chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. “Kết quả của hai bên đều chứng minh: Những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng”.

Nhưng Chủ tịch QH cũng nói: Đổ hết cho cả khâu thực hiện cũng không đúng. Chuyện mâu thuẫn pháp luật có thể dẫn đến sai là vấn đề “lịch sử”. Ông nói: “Những cái như các đồng chí nêu không phải do luật, thuộc về lịch sử lâu lắm rồi, có việc nọ, việc kia, giờ áp dụng như thế nào?”.

Vậy xử lý câu chuyện này thế nào? Chủ tịch QH nói: Cần quyết sách của cấp có thẩm quyền. Đề án để xử lý các vấn đề này thì Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền nhưng được yêu cầu làm lại. Điều may mắn là đề án đó được đánh giá là “rất tâm huyết, trách nhiệm, công phu…”.

Nếu đề án hoàn thiện, được thể chế hóa, có lẽ sau này không cần phải bàn chuyện “sợ sai sao cho… đúng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm