Sáng 16-11, các lực lượng và phương tiện được huy động đến các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thông tuyến.
Tại huyện Nam Trà My, tối 15-10, đường ĐH5 lên xã Trà Vân xuất hiện nhiều điểm sạt lở, giao thông ách tắc nhiều giờ. Điểm sạt lở đoạn qua làng ông Sinh, xã Trà Vân, khoảng 1.000m3 đất đá liên tục đổ xuống.
Ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã gắn biển cảnh báo cấm người và phương tiện qua lại khu vực này.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến các tuyến đường lên vùng cao huyện Nam Trà My sạt lở, chia cắt.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết huyện kích hoạt toàn đội xung kích ứng phó thiên tai trong cộng đồng có tình huống thiên tai phức tạp.
“Các đội xung kích cũng đi cắm biển cảnh báo tại những khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các phương tiện cơ giới tại khu vực trọng yếu, những tuyến đường huyết mạch đã được bố trí sẵn sàng nếu sạt lở thì xử lý ngay”, ông Mẫn nói.
Theo bản tin phát lúc 11 giờ ngày 16-11 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, mưa lũ làm nhiều tuyến đường bị sạt lở, giao thông chia cắt.
Cụ thể, tuyến Trường Sơn Đông Sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông tại Km74+920 và Km76+600, dự kiến thông xe bước 1 khoảng 12 cùng ngày.
Đường Hồ Chí Minh (Nhánh đông, sạt lở đất tại Km1377+500 đoạn qua thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, đến nay đã thông xe bước 1.
Quốc lộ 24C, tắc đường do sạt lở tại Km89+200, Km89+350 và Km89+450 (xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My), dự kiến thông xe bước 1 khoảng 12 giờ.
Quốc lộ 40B, Mặt đường hư hỏng, ổ gà, sình lún tại nhiều vị trí đoạn từ Km103+00 - Km141+080 (đoạn qua xã Trà Don, huyện Nam Trà My).
Quốc lộ 14H, tắc đường tại Km 13+300 (Cầu Duy Phước, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) do nước ngập sâu từ 0,8m; tắc đường tại Km63+700 (xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) do ngập sâu từ 0,7-1m.
Quốc lộ 14E, tắc đường do sạt lở tại Km87+750, đã thông xe bước 1 vào lúc 10 giờ cùng ngày.