Ngày 1-2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tình hình kinh tế - xã hội tháng 1; nhiệm vụ tháng 2-2024.
Không để khan hiếm hàng hóa dịp Tết
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết trong tháng 1, ngành du lịch TP ghi nhận sự phục hồi. Trong đó, doanh thu toàn ngành đạt gần 13.000 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ và bằng 20% của cả nước; số lượng khách quốc tế, khách nội địa, doanh thu toàn ngành đều tăng.
Qua khảo sát, doanh thu trong đợt cao điểm Tết vẫn tăng. Song, dự kiến các chỉ số của ngành du lịch trong quý I-2024 và các tháng sau có thể không tăng cao như tháng 1 vừa qua.
Theo bà Hoa, mức chi tiêu của các doanh nghiệp có chiều hướng giảm so với mọi năm. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chi tiêu cho dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết dự báo của các hiệp hội cho rằng kinh tế TP đã bắt đầu tích cực trở lại. Hai ngành khó khăn nhất là dệt may, da giày và đồ gỗ đã có đơn hàng đến quý II-2024.
Về hàng hóa Tết, ông Vũ cho biết để đảm bảo cung ứng, mỗi ngày có khoảng 11.000 tấn hàng qua ba chợ đầu mối. Hiện, Sở Công Thương đã phối hợp Sở Tài chính bình ổn thị trường, giữ giá và đảm bảo hàng một tháng trước và sau Tết, không để diễn ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Tháng 1-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ; doanh nghiệp thành lập mới tăng 30,2%, vốn đăng ký tăng 117,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 54.700 tỉ đồng, đạt 11,33% dự toán và bằng 94,22% so cùng kỳ (tức giảm 5,8%). Xuất khẩu ước đạt 3,8 tỉ USD, giảm 4,2% so với tháng trước, nhưng tăng 23% so cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 4,6 tỉ USD, giảm 5,3% so với tháng trước, nhưng tăng 21%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ (do cùng kỳ là tháng tết).
Trình đề án cảng trung chuyển Cần Giờ ngay quý I-2024
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh TP.HCM đặt mục tiêu trong quý I-2024 phải giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 12%, GRDP tăng trưởng không thấp hơn 6,5%.
Ông đề nghị các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2024 và đặc biệt quý I-2024. Trong đó, nhấn mạnh việc dự báo, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Dũng giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP tiếp tục nghiên cứu các kịch bản tăng trưởng, đưa ra các dự báo để các ngành quan tâm.
“Dự báo này không chỉ đánh giá chủ quan, trên địa bàn TP mà so sánh với các địa phương lân cận, quốc gia và quốc tế, để dự báo sát với bối cảnh chung và có cơ sở phấn đấu triển khai thực hiện nhiệm vụ” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM tháng 1-2024 đạt tương đối khả quan nhưng một số chỉ tiêu vẫn giảm. Ông đề nghị ngành tài chính quan tâm đến việc thu ngân sách nhà nước giảm 5,8% so với cùng kỳ; còn ngành công thương phải sớm đưa Trung tâm logictics đi vào hoạt động, thúc đẩy xuất nhập khẩu sôi động hơn…
Ngay trong quý I-2024, Phó Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các sở, ngành phối hợp bộ, ngành trình các nghị định có liên quan đến Nghị quyết 98, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và triển khai thực hiện Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cũng chỉ đạo các ngành nỗ lực, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh các dự án trọng điểm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung thực hiện đồng bộ nhất quán công tác chuyển đổi số trên ba trụ cột: chính quyền số, xã hội số và công dân số...
Ba kịch bản tăng trưởng quý I-2024
- Kịch bản bất lợi là các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, xung đột chính trị trên thế giới tiếp tục leo thang, dịch bệnh khó lường, các động lực tăng trưởng kinh tế mới chưa phát huy thì GRDP của TP.HCM dự báo đạt khoảng 4,83 - 5,95%.
- Kịch bản cơ sở là tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, tuần hoàn thì GRDP quý 1 của TP.HCM dự kiến đạt 6,05%, dự báo khoảng 5,49 - 6,61%.
- Kịch bản thuận lợi nhất là môi trường quốc tế và trong nước chuyển biến thuận lợi, các yếu tố rủi ro được dự báo tốt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các yếu tố khai thác tốt, niềm tin người dân và doanh nghiệp được củng cố thì quý 1, TP.HCM dự kiến tăng trưởng ở mức 6,56%, dự báo khoảng 6 - 7,12%.
Theo Ths. NGUYỄN TRÚC VÂN, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM