Quản lý nuôi chó mèo: Bạn đọc ủng hộ nhưng đề nghị tránh thủ tục phiền hà

(PLO)- Muốn quản lý nuôi chó mèo hay muốn đăng ký, trước hết phải có hệ thống để người dùng có thể truy cập vào mà đăng ký, cập nhật thông tin, lưu trữ dữ liệu ... nghĩa là tạo điều kiện để làm trực tuyến. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp luật TP.HCM vừa có bài viết: “TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!”. Theo thông tin bài viết, Sở NN&PT NT TP.HCM đã có tờ trình đề nghị xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM. Thông tin này được bạn đọc bàn luận sôi nổi.

Theo tờ trình, Sở NN&PTNT đề xuất về số lượng vật nuôi quy định số lượng nuôi nhỏ là từ dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo; số lượng nuôi vừa là nuôi từ 10 con đến dưới 50 con chó hoặc nuôi từ 20 con mèo đến dưới 100 con mèo; số lượng lớn từ 50 con chó trở lên hoặc từ 100 con mèo trở lên. Đối với trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính một con chó tương đương hai con mèo.

quản lý nuôi chó mèo
Một hộ dân nuôi chó số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh mà chính quyền chưa xử lý được. Ảnh: TM

Nỗi ám ảnh chó, mèo thả rông

“Hẻm nhà mình có nhiều người nuôi chó cứ thả cho phóng uế đầy đường. Nỗi ám ảnh khi đưa con đi học sớm, hẻm đầy phân chó không biết chạy xe né chỗ nào. Đó là chưa kể hàng xóm có nuôi con chó to, rất hung tợn, thấy người là sủa inh ỏi. Mà họ lại rất thiếu ý thức, sáng nào cũng thả sang cửa nhà tôi phóng uế. Còn lông chó thì bay tứ tung, tôi suốt ngày đóng cửa vì sợ lông chó bay vào ảnh hưởng đến các bé”, bạn đọc Lê Minh bức xúc.

“Nhiều nhà nuôi chó ý thức kém, để chó phóng uế lung tung. Nói ra thì lại cãi nhau đánh nhau, nhưng thực sự chịu không nổi. Chính vì thế đề nghị nhà nước, chính quyền xử nghiêm chủ nhà vô ý thức”, bạn đọc Na Nguyễn bộc bạch.

“Cũng như bao người, tôi thích chó, mèo. Nhưng đa số, các bãi thảm cỏ công viên, các trục đường có cây xanh biến thành nơi để một số người dân đưa chó mèo ra phóng uế. Tôi đã nhiều lần bị giẫm đạp khi đi thể dục vào mờ sáng. Công viên là nơi thư giản, hít thở không khí trong lành, người dân tham gia đi thể dục. Không lẽ, các tuyến đường có cây xanh làm nơi cho chó mèo xả xí mãi thế sao... ? Vì thế, cần có một chế tài, quản lý cụ thể cho việc nuôi chó mèo từng địa phương”, ban đọc Thái Vũ góp ý.

Còn bạn đọc Minh Nguyễn thì khen ngợi: “Đề xuất rất hay, chó mèo thả rông đi phóng uế gây mất trật tự, thậm chí còn gây nguy hiểm cho trẻ em, hơn thế nữa cần sửa đổi bổ sung luật pháp nếu cần, để ràng buộc, trừng trị thật nặng những người coi thường luật pháp. Các con hẻm, ngỏ ngách cũng cần được chú ý vì nơi đây rất ít lực lượng chức năng đi qua nên những người nuôi chó hồn nhiên thả rông mà không sợ ai”.

Đưa ra quy định cần gắn với thực thi

“Quy định gì thì cũng phải gắn liền với thực thi. Đề ra mà không giám sát, xử lý vi phạm thì cũng thành công cốc. Ngoài việc quản lí rọ mõm để đảm bảo an toàn cho người khác, cần giải quyết vấn đề vệ sinh và bảo vệ môi trường, Hiện giờ chó thả rông, đi vệ sinh đầy khắp các công viên có ai xử lý đâu. Tối, chó sủa rân trời, không thể ngủ nổi mà biết kêu ai?”, bạn đọc Huy Trần bày tỏ.

“Thiết nghĩ, muốn quản lý hay muốn đăng ký, thì trước hết phải có hệ thống để người dùng có thể truy cập vào mà đăng ký, cập nhật thông tin, lưu trữ dữ liệu ... nghĩa là tạo điều kiện để làm trực tuyến và tự động hóa các khâu, chỉ những ai không làm trực tuyến được thì mới làm kiểu thủ công”, bạn đọc Võ Minh chia sẻ.

“Đề nghị ra thêm luật để ràng buộc tính trách nhiệm với chủ nuôi, chó mèo đi rông gây tai nạn hay đi rông cắn người lây bệnh dại, một phần do yếu tố con người, người nuôi không trách nhiệm. Nên có chính sách theo dõi bắt buộc lịch tiêm phòng dại, kế hoạch bắt chó mèo thả rông nhằm hạn chế tối đa tai nạn giao thông ngoài ý muốn, chính sách chỉ cho nuôi tối thiểu bao nhiêu con chó cho 1 hộ gia đình để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn lẫn ô nhiễm môi trường”, bạn đọc Kha Trần đề xuất.

Theo tờ trình của Sở NN&PTNT TP.HCM, người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã 2 lần/năm. Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch…

Bên cạnh đó, chủ vật nuôi phải có 6 trách nhiệm như thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tiếng ồn, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh từ chó, mèo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm