Sáng 16-5, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội.
Tại buổi làm việc, ĐB Tô Thị Bích Châu nêu ý kiến về tình trạng nhà ở tái định cư do TP quản lý hiện đang để trống, trong khi đây là nguồn lực về nhà ở xã hội (NƠXH). Bà đề nghị TP có giải pháp khắc phục tình trạng này, gắn với việc đảm bảo NƠXH cho người dân.
“Quốc hội, Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc gì để TP giải quyết tồn đọng nhà ở tái định cư đã có sẵn mà người dân chưa chịu về và vướng mắc về NƠXH tại TP?” – bà nói và nhìn nhận hiện nay có nhiều chung cư, công trình nhà ở đang dang dở, cứ xây lên nhưng vướng mắc nên để đó, gây lãng phí rất lớn.
“Trong giải pháp, chúng ta chọn địa phương nào để giải quyết rốt ráo hay mỗi địa phương làm một, hai việc?” – ĐB Châu nêu.
Thông tin về quỹ nhà tái định cư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết hiện TP.HCM còn 11.042 căn hộ và nền đất tái định cư với 8.938 căn hộ và 2.104 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, hiện đang để trống, để dành.
Trong đó, TP đã có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất (gồm 4.927 căn hộ và 42 nền đất), chủ yếu thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 3.790 căn hộ tái định cư và xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh là gần 1.000 căn.
Theo ông Khiết, riêng 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được tạo lập bằng nguồn vốn vay của ngân hàng. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển từ căn hộ tái định cư sang kinh doanh nhà ở thương mại sau khi đủ quỹ nhà tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lúc này, giá thành 27 triệu/m2, chưa tính tiền bồi thường về đất và chi phí khác. Song, thời điểm hiện nay nếu cộng các chi phí bồi thường về đất và chi phí khác sau lãi vay thì giá thành lên cao.
“Khi chuẩn bị cho quỹ nhà tái định cư thì người dân không chọn quỹ nhà ở đây” – ông Khiết nói và cho biết dù vậy vẫn không thể chuyển khu nhà tái định cư này sang NƠXH.
Theo ông Khiết, khi chuyển sang NƠXH thì nhà ở được miễn tiền sử dụng đất. Trong khi đó, chỉ có 30% căn ở ở đây đảm bảo điều kiện diện tích NƠXH đạt 20-70m2 và nằm rải rác ở năm block.
“Về mặt quản lý chung cư phải vận hành cả toà nhà, không thể chia lắt nhắt ra được và cùng một block, không thể có căn được miễn tiền sử dụng đất, có căn không, như vậy pháp lý khác nhau” – ông Khiết phân tích và cho biết Thành uỷ đã quyết định chuyển sang bán đấu giá số căn hộ ở đây.
Tuy nhiên, vừa qua, TP.HCM đang vướng các thủ tục triển khai bán đấu giá. Gần đây, TP.HCM đã thẩm định giá và quyết định bán đấu giá các lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước. Cuối năm 2024, hoàn tất các thủ tục, sẽ tiến hành đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư nêu trên.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhìn nhận TP.HCM phải dành số lượng lớn nền đất và căn hộ trống để phân bổ tái định cư cho các dự án đầu tư công trên địa. Theo quy định, muốn thực hiện dự án đầu tư công phải chuẩn bị quỹ nhà và nền đất. Hiện TP đang dành quỹ 5.467 căn hộ và nền đất trống, sẵn sàng cho 258 dự án hiện nay đang triển khai.
“Tất cả nền đất, căn hộ đều có mục tiêu rõ ràng” – ông Khiết nói và cho biết Sở Xây dựng đang cùng Sở TN&MT triển khai thủ tục pháp lý để đấu giá quỹ nhà, căn hộ, nền đất có chủ trương; còn quỹ nhà đất dùng tái định cư phụ thuộc vào dự án đầu tư công.
Hàng năm, TP đều rà soát, yêu cầu các quận, huyện nếu có dự án đầu tư công nào không kịp triển khai trong năm thì báo cáo để quỹ nhà phân bổ cho dự án khác, tránh để đất trống.
Kiến nghị sớm có hiệu lực Luật Nhà ở, Luật Đất đai
Về NOXH, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết cho biết TP dự kiến phát triển 26.000 – 35.000 căn trong giai đoạn 2021-2025. Hiện quý I-2024 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng ba dự án với gần 900 căn; đang thi công sáu dự án với 4.800 căn.
Các dự án còn lại đang được phân nhóm để quyết liệt chỉ đạo.
Ông Khiết kiến nghị ĐBQH TP.HCM báo cáo Quốc hội cho phép triển khai các Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1-7 tới thay vì 1-1-2025. Bởi hầu hết các dự án đang vướng vì chờ các điều kiện ưu đãi từ ba luật này.