Thông điệp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề đạt với Đảng đoàn Quốc hội tại buổi làm việc sáng nay (5-10).
Buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng chủ trì.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của đoàn, thay mặt Thành ủy TP.HCM, Bí thư Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn đến Đảng đoàn Quốc hội TP.HCM vì đã dành thời gian làm việc với TP.HCM.
Ông cho rằng, việc trực tiếp lắng nghe những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn là điều rất đáng quý. Sự có mặt đầy đủ của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội để xem các nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống như thế nào là vấn đề quan trọng. Việc giám sát giúp Quốc hội phát hiện ra những vấn đề chưa đồng bộ để có sửa đổi trong ban hành chính sách.
"Cái vướng xuyên suốt vẫn là thể chế"
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng có những trao đổi thẳng thắn với đoàn trước thực trạng các điểm nghẽn đang chờ cơ chế tháo gỡ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nói TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế, chính trị, công nghệ, giáo dục đào tạo, xã hội mà nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã nêu rõ. TP cũng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như định hướng theo nghị quyết 24 vùng Đông Nam Bộ… TP.HCM cũng như cả nước đang ở trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong thời điểm đang chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc, muốn vươn mình lên kỷ nguyên mới thì TP.HCM phải vượt qua những điểm nghẽn đang vướng.
“Quan trọng nhất là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì mới có thể vươn mình, còn nếu luẩn quẩn thì khó” - Bí thư TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nên, trước hết phải khắc phục về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số, kỹ thuật, công nghiệp… và nguồn nhân lực chất lượng cao. TP đã thấy và đã nỗ lực nhưng chưa cải thiện được nhiều.
“Nhưng cái vướng xuyên suốt, quan trọng nhất vẫn là thể chế” - người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nêu rõ.
Ngoài ra, TP.HCM còn phải lo đổi mới mô hình tăng trưởng, mô hình lao động giá rẻ thuần túy, xuất nhập khẩu thô, xuất khẩu thô… Và để tháo gỡ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 cho TP.HCM.
“Toàn hệ thống chính trị TP coi đây như là một cuộc cách mạng, một khí thế mới để TP vượt qua các điểm nghẽn” - ông nói.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần làm việc với TP.HCM, với tư cách Chủ tịch hội đồng vùng Đông Nam Bộ, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98, trực tiếp dự diễn đàn kinh tế tại TP.HCM, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, Trung ương đối với TP.HCM.
Hơn thế, tại các phiên họp về nghị quyết 98, Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy có những vấn đề chưa được triển khai quyết liệt, đề nghị các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt.
“Ai cao hơn Thủ tướng trong điều hành thực thi? Chúng ta vướng bởi những thứ chúng ta đề ra. Luật do chúng ta đề ra, sai thì sửa.
Nghị quyết 98 cũng nêu khi gặp vấn đề khác nhau giữa các cơ chế hiện hành thì được vận dụng các cơ chế khác, đề xuất sửa đổi nhưng những người đưa ra nghị định hướng dẫn lại lo phần hướng dẫn những vấn đề trái với luật.
Chúng tôi cũng không dám trách họ. Dù người đứng đầu Chính phủ đứng ra chỉ đạo nhưng vẫn chưa triệt để, Đảng đoàn Quốc hội cũng quan tâm để khi bàn và đưa ra quyết sách cần tính toán thêm” - Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ.
Nói thêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng Kết luật 14 về khuyến khích, động viên cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm cũng đã được ban hành.
“Nhưng việc khuyến khích thì ổn, còn bảo vệ mới là khó khăn bởi vì đụng đến luật, vi phạm về mặt pháp luật, cơ chế toàn diện" - ông nói và cho rằng TP.HCM đã đi qua thời kì đó rồi, thời kì mà pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu chỗ nào bổ sung chỗ đó bằng hành động.
Rạch ròi quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ, địa phương
Khi triển khai Nghị quyết 98, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận TP.HCM rất quyết tâm nhưng vẫn còn vướng. Vì vậy, ông mong muốn Đảng đoàn Quốc hội ủng hộ các đề xuất của TP.HCM, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Lấy ví dụ về việc thành lập Trung tâm tài chính, Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu trong các nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu rõ chủ trương, yêu cầu sớm thúc đẩy hình thành nhưng theo kết luận mới nhất mà ông nắm được phải thông qua Bộ Chính trị.
Theo Bí thư TP.HCM, thông tin ông nắm được thì dự kiến lộ trình thực hiện là từ 2025- 2030 mới ban hành các quyết định, mô hình... Sau năm 2035 mới có thể thực hiện.
“Thời gian là tiền bạc mà làm một trung tâm tài chính như thế thì khó quá. Hai địa phương (Hà Nội, TP.HCM) muốn ra nghị quyết, vì khi chưa đủ chín, chưa đủ rõ, khi chưa được chứng minh là đúng thì nên thí điểm.
Có quan điểm nói phải có Luật, nhưng nếu làm luật thì phải theo quy trình, chi bằng làm thì điểm từ đó rút kinh nghiệm trên cơ sở các luật hiện hành điều chỉnh dần?” - Bí thư Thành ủy TP đặt vấn đề.
Cuối cùng, ông nhắc đến quan điểm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từng nêu.
Từ đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề đạt: “Quốc hội quyết định vấn đề gì, Chính phủ quyết định gì cho rõ ràng, địa phương được quyết định những gì thì nên rạch ròi để dám làm, dám chịu chứ làm mà cuối cùng cũng đi xin. Mà khổ nỗi đi xin thì mất thời gian. Quốc hội cũng nên giao cho Chính phủ phân cấp một số nội dung để làm những việc khác quan trọng hơn. Nếu không khéo, một việc nhiều người làm nhiều người lo thì lại lắm người nhiều ma".