Trên cơ sở đó Bộ sẽ xem xét, bãi bỏ những cuộc thi không cần thiết. Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu như trên gửi các sở GD&ĐT cả nước.
Thời gian gần đây dư luận lên tiếng về các cuộc thi, các phong trào trong nhà trường mang tính hình thức, nặng nề, tốn kém, thậm chí dung dưỡng cho tình trạng giả dối trong giáo dục. Việc này nếu để kéo dài có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của học sinh.
Vấn đề này cũng đã được đặt ra khá quyết liệt từ hơn chục năm trước. Trong sổ tay PV của chúng tôi còn ghi vào tháng 8-2006, Bộ GD&ĐT tổ chức một hội thảo đổi mới công tác thi đua khen thưởng khá quy mô với sự tham gia của lãnh đạo 64 sở GD&ĐT cả nước. Sau khi nói về bệnh thành tích và sự giả dối đang ăn sâu trong ngành giáo dục, giám đốc Sở GD&ĐT một tỉnh miền Tây Nam Bộ mạnh dạn đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét bỏ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm. Theo vị giám đốc này, để chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, trước đó địa phương phải tổ chức kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh với bao nhiêu thứ phải lo, thời gian kéo dài nhiều tháng trời. Học sinh được mang đi bồi dưỡng làm ảnh hưởng đến việc học các môn văn hóa khác. Kết quả mang lại cũng không phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục của địa phương đó.
Chuyện thi nghề cho học sinh phổ thông càng dở khóc dở cười. Ai cũng biết thi nghề chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả nhưng vẫn phải làm vì quy định được cộng điểm này vào kết quả thi lớp 10 hay thi tốt nghiệp. Một phụ huynh kể con gái chị đăng ký học môn nữ công gia chánh nhưng giáo viên chủ nhiệm khuyên đăng ký môn điện vì dễ kiếm điểm. Thế là gần hết lớp - cả nam lẫn nữ - đăng ký nghề điện. Con gái học nghề điện nghe thật tréo ngoe. Tuy nhiên, kết quả thi nghề điện tất cả học sinh đều đạt điểm cao. Trong khi đó, việc thi môn nữ công gia chánh quá rườm rà mà kết quả điểm lại thấp. Tất nhiên, thi xong thì các nữ sinh cũng quên tuốt nghề điện. Vậy thi nghề để làm gì?!
Có thể kể ra nhiều cuộc thi vô bổ, những phong trào gây tốn kém như vậy trong nhà trường.
Phía giáo viên cũng có nhiều cuộc thi nặng tính hình thức không kém. Chẳng hạn, việc thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh cũng mắc bệnh thành tích, lấy học trò ra “gà” trước, vô tình tập cho học sinh thói quen giả dối. Rồi việc thi viết sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên nào cũng phải “đẻ” sáng kiến mỗi năm vì nếu không sẽ không được xem xét danh hiệu giáo viên giỏi. Kết quả, sáng kiến kinh nghiệm để đầy tủ mặc bụi bám vì đa số không thể áp dụng được. Rồi thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên thư viện, đồ dùng giỏi…
Mới đây, một giáo viên ở Tiền Giang đã phản ánh trung bình một năm có 15 cuộc thi dành cho thầy và trò. “Theo tôi, một năm học mà thầy trò tham gia 15 cuộc thi như vậy là quá nhiều, mong bộ trưởng chấn chỉnh”- vị giáo viên này kiến nghị. Với việc rà soát các cuộc thi vô bổ trong nhà trường, người ta e ngại lần này Bộ GD&ĐT muốn làm thật hay lại chỉ xoa dịu dư luận?