Quá phiền phức với tin nhắn, cuộc gọi rác

(PLO)- Dù đã đăng ký vào danh sách không nhận quảng cáo nhưng nhiều người vẫn bị làm phiền từ tin nhắn, cuộc gọi rác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020, Bộ TT&TT vận hành đầu số 5656 và trang web thongbaorac.ais.gov.vn để chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thì tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác đã được cải thiện.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người dùng vẫn thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác từ nhiều nguồn phát tán khác nhau, khiến người dùng điện thoại cảm thấy bị làm phiền.

Nhắn tin quảng cáo bằng nhiều nguồn

Chị Lan Hương (TP.HCM) cho biết trước đây chị đã đăng ký vào danh sách không quảng cáo (không nhận cuộc gọi và tin nhắn quảng cáo) theo quy định của Bộ TT&TT. Thời gian đầu sau khi đăng ký, chị thấy có hiệu quả vì các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo giảm hẳn. Tuy nhiên, thời gian gầy đây, chị Hương lại thường xuyên nhận được nhiều tin nhắn rác đến từ các đầu số lạ, người gửi không phải là số điện thoại mà là địa chỉ email.

Ví dụ, tin nhắn được gửi từ 3828212082@163.com có nội dung: “Bạn có muốn kiếm thêm thu nhập mỗi ngày từ việc đầu tư cổ phiếu không? Chúng tôi có đội ngũ chuyên phân tích thị trường sẽ giúp bạn kiếm được lợi nhuận tốt nhất vượt qua khó khăn về kinh tế. Nếu bạn quan tâm thì inbox cho mình qua telegram để được hỗ trợ… Liên hệ với chúng tôi qua telegram để biết thêm chi tiết: telegram:@buithanhdat1989”.

Chị Hương cũng cho biết những tin nhắn quảng cáo từ các thương hiệu, nhãn hàng không còn xuất hiện nữa nhưng lại thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo từ các nguồn không xác định. “Sau khi nhận được tin nhắn rác từ địa chỉ email, tôi có làm thủ tục báo cáo tin nhắn rác và cũng chỉ chặn được địa chỉ email đó. Hôm sau lại nhận được tin nhắn rác từ địa chỉ email khác. Việc này làm tôi rất khó chịu” - chị Hương chia sẻ.

Hiện nay, có nhiều nguồn phát tán tin nhắn rác sử dụng địa chỉ email khiến người dùng gặp không ít phiền toái. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Hiện nay, có nhiều nguồn phát tán tin nhắn rác sử dụng địa chỉ email khiến người dùng gặp không ít phiền toái. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tương tự, anh Công Triều (Bình Dương) cũng cho biết dù đã đăng ký vào danh sách không nhận quảng cáo nhưng anh lại liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác từ các nguồn sử dụng địa chỉ email, địa chỉ icloud nhắn tin thông qua iMessage (nhắn tin trên các dòng điện thoại iPhone). “Đối với những nguồn phát tán tin nhắn rác này, người dùng chặn thủ công thì không thể nào chặn hết. Vì vậy, mong các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này” - anh Triều nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết khoản 8 Điều 13 Nghị định 91/2020 quy định một trong những nguyên tắc khi quảng cáo là chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh, không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.

Đồng thời, một tin nhắn quảng cáo đều phải gắn nhãn và được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung tin nhắn, nhãn có dạng QC hoặc AD. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính rất nặng.

Xây dựng ứng dụng cảnh báo cuộc gọi rác

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đặng Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, cho biết hiện nay, dịch vụ OTT (phương tiện cung cấp nội dung cho người dùng như các nội dung về âm thanh, hình ảnh trên nền tảng Internet) xuất hiện nhiều. Các tin nhắn thường chủ yếu dựa trên nền tảng Zalo, iMessage. Đó cũng là lỗ hổng mà Zalo hay Apple chưa có giải pháp kỹ thuật để xử lý.

Cũng theo ông Đặng Huy Hoàng, khi tiếp nhận các phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi rác, trong phạm vi thẩm quyền, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu nhà mạng xử lý, nếu không xử lý sẽ chuyển cho Bộ Công an. Chẳng hạn như tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì công an mới có chức năng truy vết, còn cơ quan chức năng của bộ chỉ cung cấp thông tin.

Khi xuất hiện mã mới, cơ quan chức năng cũng yêu cầu nhà mạng cập nhật, nâng cao hệ thống kỹ thuật, yêu cầu họ thường xuyên rà soát để nâng cao năng lực chọn lọc đối với hệ thống kỹ thuật của nhà mạng. Hiện nay, đối với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, không còn là tin nhắn thông thường mà đang nở rộ nhiều loại thông tin trên các nền tảng đa quốc gia.

Hiện các đầu số 5656, trang web thongbaorac.ais.gov.vn chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ người dùng.

Về giải pháp, ông Đặng Huy Hoàng cho biết hiện nay tất cả quảng cáo đều qua tên định danh, việc này nhằm tăng cường thị trường quảng cáo chính thống. Ngoài ra, Nghị định 91/2020 cũng quy định không được phép sử dụng số thuê bao di động để quảng cáo. Cổng thông tin chống thư rác cũng đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn một số biện pháp để người dùng chủ động bảo vệ mình khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn lạ.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đang định hướng xây dựng ứng dụng phục vụ cho cộng đồng, ứng dụng đó có tính năng cảnh báo cuộc gọi rác hay cuộc gọi lừa đảo khi họ gọi đến cho các thuê bao” - ông Hoàng thông tin.•

Phạt đến 100 triệu nếu vi phạm

Theo Điều 32 Nghị định 91/2020, phạt tiền 5-10 triệu đồng khi thực hiện hành vi gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo hoặc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.

Mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm