Chiều 23-11, Quốc hội thảo luận về dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là dự luật đã được Quốc hội thống nhất “thông qua vào kỳ họp gần nhất” thay vì thông qua ngay tại kỳ họp này. Bởi như ý kiến của nhiều ĐBQH và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vấn đề còn có các ý kiến khác nhau và cần hoàn thiện hơn.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) là một trong những người đề cập khá sâu về tình trạng sở hữu chéo, chi phối, thao túng các tổ chức tín dụng. Ông cho rằng việc này tạo ra các rủi ro mang tính cấp bách và cần phải được xử lý triệt để.
"Tôi cho rằng sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, giảm hạn mức cấp tính dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ… tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình. Theo tôi là không hiệu quả", ĐB An nêu.
Quan điểm của ĐB An là cần phải xác định được tổ chức, cá nhân nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng và luật cần phải xây dựng được các quy định để làm rõ được cá nhân, tổ chức có quyền chi phối, có ảnh hưởng tới việc ra quyết định của một ngân hàng.
Giải pháp mà ông An đưa ra là minh bạch thông tin của tất cả các tổ chức, cá nhân là cổ đông của ngân hàng thương mại chứ không nên giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông. Đồng thời, cần phải quy định nghĩa vụ công bố thông tin cho cổ đông và nhóm người có liên quan đến sở hữu cổ phần của ngân hàng. Ông An cũng nêu hiện nay, những tổ chức tín dụng chưa niêm yết thì chưa chịu chi phối của quy định công bố thông tin.
Đặc biệt, ĐB An đề nghị phải có các quy định nhằm kiểm soát được dòng tiền, nguồn vốn góp thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát dữ liệu cá nhân. Ông đề nghị dự luật phải quy định hết sức cụ thể vì dòng tiền phải từ đâu đó, từ cá nhân nào đi vào chứ không phải tự nhiên mà có.
“Vụ Vạn Thịnh Phát cho ta thấy một bài học như vậy", ông An nêu dẫn chứng.
Qua vụ Vạn Thịnh Phát - SCB, ông An nhận xét quy định hạn chế chuyện nhờ người khác đứng tên trong dự luật còn rất chung chung, cụ thể là "không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật". Ông An nói quy định như vậy sẽ rất khó xử lý.
"Thế nào là góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác? Quy định này sẽ được triển khai trong thực tế như thế nào? Tôi đề nghị quy định rất cụ thể để có cơ sở, phương pháp phòng ngừa, đặc biệt trước những "ma trận" mà ta hay gọi một cách mỹ miều là hệ sinh thái do các "ông bầu", "madam" đứng sau các ngân hàng tạo dựng nên", ông An nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm về vấn đề này: "Cốt lõi là Ngân hàng Nhà nước giám sát, quan tâm các ông chủ ngân hàng là doanh nghiệp lớn hiện nay, không để xảy ra trường hợp như ở SCB được".
Ông đề nghị dự luật cần quan tâm thêm đến thực trạng là các ông chủ, cổ đông của ngân hàng vay thì rất dễ dàng, còn doanh nghiệp khác và người dân thì tiếp cận tín dụng rất khó. Tình trạng này cần được giám sát, xem xét kỹ.
"Đừng nói hạn mức cấp tín dụng giảm xuống 10% hay 15%. Ví dụ nếu cho phép 10% nhưng mấy chục cổ đông vay 10% thì cộng lại là bao nhiêu tiền rồi. Việc họ hè nhau rút tiền cùng một lúc là rất nguy hiểm”, ĐB Hòa nói.