Lấy ý tưởng từ bệnh viện dã chiến, một nhóm mạnh thường quân trẻ ở quận Bình Thạnh đã lập ra chương trình từ thiện có tên gọi “quán cơm dã chiến, trái tim yêu thương”.
Đạp xe hơn 10 km để nấu cơm từ thiện
Ngày 15-4, quán cơm dã chiến tại 100 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM chính thức khai trương với mục đích nấu những bữa ăn hằng ngày hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19.
Mục tiêu của nhóm là phát 1.000 suất mỗi ngày cho người nghèo. Hằng ngày, những tình nguyện viên của nhóm đến đây từ rất sớm, mỗi người một việc, người nhặt rau, người quét dọn, người chuẩn bị hộp đựng cơm...
Các tình nguyện viên là những sinh viên, bà nội trợ, nhân viên văn phòng…
Bà Nghiêm Vân Hồng (70 tuổi, quận Tân Bình) cho biết: Tôi không biết chạy xe máy nên hằng ngày đạp xe từ quận Tân Bình đến đây để nấu ăn phụ những người ở đây làm từ thiện. Sáng 6 giờ tôi đạp xe khoảng 50 phút thì đến nơi, nấu nướng, phát cơm xong thì gần 13 giờ tôi lại đạp xe về. Tuy cực nhưng rất vui vì tôi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa”.
Thấy nhóm làm xôm tụ, nhiều người cũng đến hỗ trợ thêm gạo, thực phẩm, nước rửa tay…
Sáng 17-4, chị Hoàng Như Mai (huyện Bình Chánh) chở cả xe rau củ quả đến quán ăn để góp bữa cơm cho người nghèo.
Chị Mai phấn khởi: “Khi nghe người bạn nói có chương trình từ thiện như thế này, tôi và đứa em liền chạy ngay đến chợ chọn mua bắp cải, trái cà, trái cây để cho người dân nghèo có bữa cơm tươm tất hơn”.
Ngoài việc phát cơm cho người đến nhận tại chỗ, quán còn chở cơm đi phát mỗi ngày vài trăm suất cho người không có điều kiện đi lại gặp khó khăn trong TP.
Anh Thanh (quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi làm nghề tự do, mùa dịch này công việc của tôi không ổn định, ngày làm ngày nghỉ. Gia đình tôi chỉ đủ ăn, không dư dả gì. Tôi nghĩ mình không có tiền thì giúp sức cũng được, nên tôi đăng ký làm xe ôm chuyển những phần cơm đến những người sống ở chân cầu quận 1 và quận 8 để trao cho họ. Sau khi trao xong, nhóm giao cơm sẽ chụp ảnh gửi lên group Zalo báo cáo việc đã chuyển cơm đến tận tay người cần nhận”.
Những suất cơm miễn phí được trao cho người dân nghèo. Ảnh: NHẬT TIẾN
Tình nguyện viên chuẩn bị các suất cơm. Ảnh: NHẬT TIẾN
Các tình nguyện viên báo cáo qua phần mềm Zalo việc đã giao cơm đến tay người cần nhận. Ảnh: NHẬT TIẾN
Có cơm qua ngày thiệt quý quá!
Đến hẹn lại lên, cứ 10 giờ đến 12 giờ hằng ngày, tại 100 Ung Văn Khiêm, có rất nhiều người đến xếp hàng nhận cơm.
Nhận hộp cơm với đầy đủ cơm, thức ăn và canh, bà Trần Thị Long (50 tuổi, quận Bình Thạnh) vui mừng cho biết: “Gia đình tôi là dân miền Trung, vô đây sinh sống bằng nghề bán vé số. Cả tháng nay gia đình tôi thất nghiệp, không có thu nhập. Tiền để dành mấy tháng trước đóng tiền trọ còn không đủ, đừng nói chi tiền mua cơm. Với tôi hiện giờ, có những bữa cơm ăn qua ngày như thế này thiệt quý quá”.
“Nghề mua ve chai trong mùa dịch như thế này khó khăn vô cùng. Những tháng trước, khi các công ty còn làm, tôi mua giấy vụn cũng kiếm được ngày vài chục ngàn đồng. Giờ dịch bệnh, nhiều công ty nghỉ nên hằng ngày tôi đẩy xe khắp đường phố nhặt vỏ chai cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống. Có bữa cơm như vậy rất mừng, tôi rất biết ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp chúng tôi vượt qua những ngày đầy vất vả này” - bà Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, quận Gò Vấp) nói.
Các shipper giao cơm từ thiện miễn phí Khi TP yêu cầu các hàng quán, dịch vụ không thiết yếu đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, có rất nhiều người gặp khó khăn bởi sự ảnh hưởng này. Vì thế, tôi nghĩ ngay đến việc tận dụng căn bếp của những nhà hàng đang phải tạm đóng cửa để nấu những suất ăn giúp đỡ những người khó khăn trong mùa dịch. Cơ sở vật chất nấu nướng đã có, chúng tôi chỉ cần chuyển thực phẩm đến và nấu. Địa điểm nấu cơm có thể thay đổi liên tục nếu được sự hỗ trợ mặt bằng từ phía các chủ nhà hàng, quán ăn. Với hai đầu bếp chính và khoảng 10 tình nguyện viên, hằng ngày quán có thể nấu từ 500 đến 1.000 phần cơm với ba món gồm món chính là cá, thịt, món rau và canh. Quán bắt đầu phát cơm từ 10 giờ 30, từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Để thực hiện đúng yêu cầu giãn cách xã hội và giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi lại, quán kết nối với những người xe ôm quanh khu vực phường 25, quận Bình Thạnh để đưa cơm miễn phí tới từng xóm nghèo trên địa bàn. Tất cả người làm việc ở quán cùng đội ngũ vận chuyển bằng xe đến tận nhà người dân nghèo đều làm miễn phí. Với mô hình từ thiện này thì bất cứ nhà hàng nào muốn làm, tôi sẽ kết nối đến các đơn vị để được nhận thực phẩm miễn phí. Cá nhân, tổ chức nào muốn đóng góp tiền mặt, tôi sẽ giới thiệu đơn vị tài trợ thực phẩm để họ ủng hộ trực tiếp. Anh NGUYỄN TUẤN KHỞI, chủ một doanh nghiệp thực phẩm ở TP.HCM đồng thời cũng là người khởi xướng quán cơm dã chiến |