Cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa diễn ra được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết là cuộc họp cuối cùng để trình lên Chính phủ xem xét ký ban hành nghị định. Nhưng tại cuộc họp các chuyên gia tỏ ra lo lắng trước quy định quản lý loại hình Grab như taxi, bởi nó cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số.
Cần có cái nhìn mới
Trái ngược với những gì taxi truyền thống cáo buộc, hầu hết chuyên gia phát biểu mang tính độc lập tại buổi họp đều có nhận định chung là cách tư duy về cái mới chưa phù hợp. Theo đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đề nghị Bộ GTVT xem xét lại việc quản loại hình Uber, Grab giống như taxi truyền thống. Theo bà, việc “gò” các loại hình mới vào cái cũ sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tới đây nhiều công ty tham gia vào thị trường này.
Nhiều chuyên gia cho rằng loại hình mới này không chỉ một quy định của ngành GTVT quản lý được. Ảnh: VIẾT LONG
Dẫn chứng về những buổi làm việc với taxi truyền thống, bà Thảo cho rằng hiện nay điều kiện kinh doanh của loại hình trên đang bị “bó” bởi quá nhiều điều kiện (13 điều kiện), thậm chí doanh nghiệp taxi muốn công khai thông tin cũng khó. “Nên chăng Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống để tháo bớt rào cản về điều kiện kinh doanh đang khiến doanh nghiệp chùn bước. Đồng thời có cách nhìn khác về cái mới nhằm tạo điều kiện cho họ phát triển” - bà Thảo nêu kiến nghị.
Có chung nhận định, sự phát triển của khoa học công nghệ đang được cả xã hội thừa nhận và mang lại nhiều tiện ích cho người dân, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng việc áp cái mới vào hệ thống pháp luật đã có là kìm hãm sự phát triển và đi ngược mục đích chung cả xã hội đang hướng tới.
“Cần xem xét lại khái niệm mà Bộ GTVT nêu trong dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải. Chúng ta cần có cách nhìn mới để đi tìm ra quy định mới, khái niệm mới, xu hướng mới của công nghệ… Nếu chúng ta cứ “gò” hết vào cái cũ sẽ không phù hợp và không đủ…” - ông Hưng nhấn mạnh.
“Ép” loại hình Grab, người tiêu dùng bị thiệt
Thẳng thắn hơn, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh khái niệm về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh (khoản 1 Điều 3 và khoản 4 Điều 16), tránh việc buộc các đơn vị công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối hành khách phải xin phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và phải đáp ứng các điều kiện như một đơn vị vận tải thực thụ. Theo chuyên gia, cần phải lưu ý, quy định tại nghị định này sẽ được áp dụng chung cho tất cả đơn vị công nghệ, không chỉ là Uber hay Grab mà còn bao gồm rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính.
Chứng minh cho điều này, vị chuyên gia kinh tế-tài chính phân tích, hiện nay một số doanh nghiệp nội địa như VATO, EMDDI, T.NET và Viettel (ứng dụng Gonow) cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc kết nối vận tải (không trực tiếp thực hiện hoạt động vận tải) và sắp tới là Go-Jek sẽ vào Việt Nam. Thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, để đưa ra đề xuất kết nối hành khách với phương tiện gần nhất và đề xuất hiệu quả nhất về giá cước cho mỗi chuyến đi cụ thể.
Tuy nhiên, trong dự thảo nghị định hiện tại vẫn giữ quan điểm doanh nghiệp công nghệ được xem như đơn vị vận tải.
“Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hỗ trợ cho phát triển công nghệ. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém. Vô hình trung quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các doanh nghiệp, cuối cùng, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đây là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển nền kinh tế 4.0” - PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Với những lập luận độc lập, khách quan của các chuyên gia, cho thấy việc định danh các dịch vụ mới cần được thực hiện trên cơ sở các nghiên cứu về kinh tế và pháp lý mang tính khoa học, độc lập với các tác động chính trị và lợi ích nhóm dựa trên mục tiêu đảm bảo lợi ích của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế. Việc định danh các dịch vụ mới cũng cần đến một cuộc cách mạng đối với các quan điểm lỗi thời và trì trệ, dập khuôn trong tư duy quản lý nhà nước.
Qua đó, chúng ta cũng thấy mỗi chuỗi giá trị bao giờ cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, mỗi bên có những vai trò riêng. Nền kinh tế càng phát triển thì chuỗi giá trị càng phát triển. Vì vậy, việc bóc tách các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới trong chuỗi giá trị để định danh cần phải được xem xét một cách cẩn trọng. Mục đích như PGS-TS Ngô Trí Long khẳng định đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp còn non nớt về kinh nghiệm, vốn có thể tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia…