Ngày 23-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Úc hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025”.
Bị “nổi tiếng” theo cách không mong muốn
Là đại diện duy nhất của DNNN phát biểu, ông Tạ Ngọc Nam, Phó Trưởng ban Kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn MobiFone, chia sẻ: Trong mấy năm vừa qua, có hai xu hướng trong cổ phần hóa các DNNN. Một nhóm DNNN thì 3-4 năm cũng không cổ phần hóa xong. Một nhóm khác chỉ 12-18 tháng đã cổ phần hóa xong nhưng khi hoàn thành lại phát sinh những rủi ro.
“MobiFone là DNNN được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai cổ phần hóa xong vào năm 2020. Người lao động của MobiFone cũng rất mong quá trình cổ phần hóa diễn ra suôn sẻ, trông đợi những kết quả tốt đẹp để vượt qua những khó khăn trong vài ba năm vừa rồi vì MobiFone chúng tôi “bị nổi tiếng” theo cách chúng tôi không mong muốn” - ông Nam bộc bạch.
Từ kinh nghiệm của MobiFone, ông Nam cho rằng: Cách thức triển khai cổ phần hóa DNNN hiện nay đang có vấn đề. Theo quy định sẽ có một ban chỉ đạo cổ phần hóa bao gồm đại diện các bộ, ban, ngành và đại diện DNNN để triển khai cổ phần hóa. “Như thế rất thiếu chuyên nghiệp. Bởi như các cán bộ trong DN chúng tôi nếu có tham gia triển khai cổ phần hóa thì chỉ tham gia tốt ở các góc độ chiến lược phát triển DN, xử lý các vấn đề của DN; đề xuất các tiêu chí với đối tác chiến lược để đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển của DN” - ông Nam nói.
Một vấn đề khác được ông Nam đề cập là quản trị DNNN. Báo cáo của CIEM tại hội thảo cũng đề cập và khuyến nghị phải áp dụng hệ thống quản trị hiện đại cho DNNN. Nhưng ông Nam nói thực tế hiện nay thì DNNN áp dụng rất nhiều hệ thống quản trị, từ của các bộ, ngành đến các địa phương.
“Trong chiến lược phát triển MobiFone, chúng tôi mong muốn sẽ áp dụng và tiến tới chuẩn của DN IPO (lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng) trên thị trường chứng khoán quốc tế. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước nên định ra một bộ quy chuẩn để quản lý DNNN” - ông Nam kiến nghị.
Bởi theo ông, các quy chuẩn hiện nay có một số vấn đề tưởng chừng như hợp lý nhưng lại bất hợp lý. “Chẳng hạn có chỉ tiêu doanh thu năm nay phải cao hơn năm trước. Một công ty đã tăng 30% năm trước thì tăng tiếp cũng khó; tương tự như thế với chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận của chúng tôi đã rất cao rồi mà vẫn bị áp năm sau cao hơn năm trước là không ổn” - ông Nam nói như phân trần.
Ông Nam cũng đề xuất phải đánh giá DNNN theo các nhóm. Cụ thể, đánh giá người quản lý DN trên cơ sở các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của DN, việc thực hiện điều hành DN đúng quy định pháp luật; đánh giá đóng góp của người lao động trong DN thì chỉ đánh giá trên cơ sở kết quả, hiệu quả hoạt động của DN. Việc triển khai đánh giá như trên sẽ phản ánh đúng kết quả với nhiệm vụ được giao.
Theo ông, những năm qua MobiFone có “sự cố” liên quan đến AVG và dù kinh doanh hiệu quả thì vẫn bị xếp loại B. “Điều này khiến tiền thưởng cho người lao động cũng bị ảnh hưởng… Bởi vậy, các hệ chuẩn đánh giá nên chi tiết hơn” - ông Nam kiến nghị.
Ông Nguyễn Đức Trung (trái): “DNNN chưa được bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường”. Ông Tạ Ngọc Nam: “Cần thành lập những “team” chuyên nghiệp đi cổ phần hóa ở cả trung ương và địa phương”. Ảnh: CHÂN LUẬN
DNNN cũng chỉ nên… kinh doanh!
TS Nguyễn Đình Cung nói rằng cần phải xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. “Chẳng hạn nói DNNN có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý. Vì nó chỉ làm cho thị trường trở nên méo mó, DNNN trở nên kém năng động” - TS Cung khẳng định và đề nghị bỏ chức năng công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN.
Trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, TS Cung nói: “Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi chỉ giao những nhiệm vụ đủ thấp thì chỉ có con ông cháu cha mới vào được DNNN thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”.
Đồng tình, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nói thực chất DNNN chưa bao giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường. “Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết”.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thì nhấn mạnh việc sắp xếp lại DNNN là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi liệu thoái vốn có phải là phương thức duy nhất. Bởi tại một số nước đã có sự phân chia rất rõ ràng về DNNN, trong đó loại hình nào, lĩnh vực nào đóng vai trò độc quyền và cách thức quản lý.
“Tại Phần Lan có những công ty hoàn toàn là DNNN nhưng mục tiêu của nó là chỉ tạo doanh số cho ngân sách. Tức lãi sẽ được đổ về ngân sách” - ông nói và cho rằng không phải cứ đập đi xây lại sẽ giải quyết được vấn đề. Bởi DNNN ngoài việc được chia thành hai nhóm chiến lược và không chiến lược thì còn một chiều nữa là nhóm nào đang kinh doanh hiệu quả, có lãi.
“Như vậy, nếu với một DNNN dạy chiến lược, có lãi thì có nên bán không. Ví dụ như Vinamilk, với vị trí của DN này thì bán đi để làm gì? - ông đặt vấn đề.
Đã là doanh nghiệp thì phải kinh doanh TS Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển DN thuộc CIEM, cho rằng trong giai đoạn tới, không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” cũng như sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường. Đã là DN thì DNNN phải có chức năng kinh doanh, tập trung vào nhiệm vụ kinh tế. DNNN tập trung vào bốn nhóm ngành, lĩnh vực theo Luật Quản lý vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước khỏi các ngành, lĩnh vực khác. Tiếp tục chuyển khoảng 90% của 103 DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Chỉ nên giữ lại hình thức DN 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị như các nhà xuất bản, nhà máy in tiền quốc gia, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, trung tâm lưu ký chứng khoán. |