Ngoài việc bị tạm dừng biểu diễn nghệ thuật… mà ai cũng thấy trước mắt là cô bị mất vai diễn trong một phim truyền hình 45 tập (khi phim đã quay được hơn 20 tập) thì vẫn chưa rõ Diễm Hương có bị tước vương miện hay không. Trong khi đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thuộc Bộ VH-TT&DL cứ liên tiếp có công văn thúc giục đơn vị tổ chức cuộc thi HHTGNV 2010 (đại diện là Công ty Vinpearl) xử lý.
Trong văn bản mới nhất ký ngày 8-4 gửi sở VH-TT&DL các tỉnh, Cục NTBD cho rằng Diễm Hương “đã có hành vi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật như: Không trung thực khi kê khai lý lịch cá nhân, đề nghị xác nhận tình trạng chưa kết hôn trong khi đã đăng ký kết hôn, vi phạm quy định về dự thi người đẹp quốc tế”. Nghe “lê thê” vậy nhưng chung quy là cô đã gian dối trong việc đăng ký thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2012. Đây rành rành là sai phạm không thể nào chấp nhận được vì nó không chỉ liên quan đến bản thân cô mà còn “làm nhục quốc thể” như cách nói của nhiều người. Tuy nhiên, để xác định hành vi này có là vi phạm pháp luật như “cáo buộc” đã nêu của Cục NTBD thì rất cần có sự đối chiếu với các quy định của pháp luật chứ không thể đơn thuần dựa vào cảm tính.
Tính đến thời điểm này thì Vinpearl đã hai lần gửi công văn “thỉnh thị” Cục NTBD về cách thức xử lý sai trái của Diễm Hương. Công ty này lúng túng cũng phải vì Diễm Hương không vi phạm gì ở cuộc thi HHTGNV 2010 (đề án cuộc thi này cũng không quy định cụ thể các hình thức kỷ luật đối với thí sinh có vi phạm). Việc tước danh hiệu không hề được đề cập trong hai văn bản hiện hành quy định về thi người đẹp và người mẫu… (Nghị định 79/2012 của Chính phủ và Thông tư 03/2013 của BVHTT&DL). Riêng Quy chế tổ chức cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp của Bộ VH-TT&DL năm 2008 - tuy cho phép thực hiện việc này đối với thí sinh đạt giải có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu đến xã hội - nhưng quy chế đã hết hiệu lực từ tháng 1-2013. Thể theo quy định về thực thi pháp luật thì Vinpearl không được quyền áp dụng quy chế này để “hạ bệ” Diễm Hương.
Ấy thế mà trong văn bản ký ngày 8-4 nêu trên, Cục NTBD lại tiếp tục yêu cầu công ty “khẩn trương có biện pháp xử lý Diễm Hương theo quy định của Đề án tổ chức cuộc thi HHTGNV 2010”. Một vòng luẩn quẩn, đẩy trái bóng trách nhiệm thể hiện chính Cục NTBD cũng không biết làm sao mới là đúng!
Vậy rốt cuộc Diễm Hương vi phạm pháp luật gì để Vinpearl còn biết đường mà tính? Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương cho biết: “Diễm Hương đã vi phạm Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể, Diễm Hương từng đăng ký kết hôn sau một năm lại đến đúng nơi cư trú đó xin xác nhận chưa kết hôn”. Nhận định và lý lẽ này hoàn toàn không chính xác! Bởi lẽ với các hành vi đã được liệt kê thì Diễm Hương không vi phạm điều khoản nào của hai luật trên (nếu vẫn muốn bảo lưu ý kiến thì cục phải chỉ cho được khoản mấy, điều bao nhiêu của từng luật).
Chỉ khi nào công dân có hành vi vi phạm pháp luật, tức không làm đúng những quy định trong các quy phạm pháp luật thì mới phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vậy nên nếu sai phạm không thể trị được bằng pháp luật (do không vi phạm pháp luật), cũng không trị được bằng quy chế cuộc thi (do không dự liệu) thì cứ hãy để dư luận phán xét. Việc cố chế tài bằng được theo ý chí chủ quan là điều không nên và không được phép làm vì đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
THU TÂM