Quản lý tiền ảo: Khó mấy cũng phải làm!

Dù quản lý tiền ảo không dễ nhưng trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh), chuyên gia tài chính, nhấn mạnh: “Yêu cầu về khung pháp lý đối với quản lý tiền ảo là vô cùng bức thiết”.

Kẽ hở tạo nhiều rủi ro

. Phóng viên: Mới đây, vụ nhà đầu tư tố cáo Công ty Modern Tech lừa 32.000 người với tổng số tiền lên đến 15.000 tỉ đồng gây rúng động xã hội. Ông đánh giá như thế nào xung quanh vụ việc này?

TS Nguyễn Trí Hiếu

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại tiền ảo nhưng phát triển mạnh nhất là bitcoin. Tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng tiền ảo vẫn được các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam (VN) đầu cơ hoặc “đào”. Một số lượng lớn máy đào tiền ảo cũng đã và đang được nhập về VN; trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo nở rộ.

Riêng về vụ Công ty Modern Tech cho thấy: 32.000 người đổ 15.000 tỉ đồng (bằng tổng số vốn điều lệ của năm ngân hàng gộp lại) vào dự án tiền ảo iFan mà chẳng hề có minh chứng nào là nó có thể tồn tại bao lâu và ai đứng đằng sau dự án này thì lòng tham chính là động cơ lớn nhất để dẫn dắt các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là lời hứa hẹn của dự án tiền ảo iFan về lãi suất khủng, hoa hồng quá lớn khiến các nhà đầu tư mờ mắt.

Thế nhưng có một điều hết sức lạ lùng là tại sao Modern Tech lại có thể dễ dàng tổ chức hàng loạt hội thảo tại nhiều địa điểm, thu hút hàng chục ngàn người mà các cơ quan chức năng không lên tiếng cảnh báo rủi ro, tìm cách ngăn ngặn trước hiện tượng lừa đảo trắng trợn như thế. Nhà chức trách ở đâu khi Modern Tech tung hoành ngang dọc khắp nơi để huy động vốn cho dự án tiền ảo iFan?

. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu sáu bộ, ngành vào cuộc xử lý vụ nghi lừa đảo tiền ảo 15.000 tỉ đồng. Vậy liệu các bộ, ngành có xử lý được hay không khi chúng ta chưa có khung pháp lý để xử lý vấn đề này?

+ Tôi cho rằng cơ hội trả lại tiền cho các nhà đầu tư là vô cùng mong manh, thậm chí số tiền khủng đó có thể đã bốc hơi từ lâu rồi.

Thêm nữa, hiện nay VN vẫn chưa có khung pháp lý về tiền ảo. Do đó, khi xảy ra rủi ro thì số tiền của các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ mất trắng.

Khách hàng giao dịch tiền ảo bitcoin tại một quán cà phê trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Không thể chậm trễ

. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo nhưng đến nay khung pháp lý vẫn chưa ra đời. Theo ông, như vậy có quá chậm so với đòi hỏi từ cuộc sống?

+ Từ quý III-2017 Thủ tướng đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Đáng tiếc là cho đến giờ này vẫn chưa có dự thảo nào liên quan đến quản lý tiền ảo được đưa ra. Trong khi đó yêu cầu về khung pháp lý đối với quản lý tiền ảo là vô cùng bức thiết. Bởi mọi hoạt động kinh tế trong xã hội phải được vận hành trong khuôn khổ của pháp luật.

Nếu hàng loạt câu hỏi về việc đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền ảo… vẫn còn bỏ ngỏ, lửng lơ thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để rủi ro len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Đấy là chưa nói đến một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp... qua các hình thức kinh doanh, mua bán tiền ảo này.

. Hiện nay thái độ của các quốc gia trên thế giới về tiền ảo như thế nào, thưa ông?

 + Có thể phân loại ra ba quan điểm về tiền ảo của các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia có thái độ cởi mở hơn với tiền ảo như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… Theo đó, họ nhanh chóng đưa ra các quy định tạo thuận lợi cho việc mua bán, thanh toán tiền ảo. Chẳng hạn ở Mỹ hiện có ít nhất tám công ty, trong đó có Expedia, Microsoft... đã cho phép khách hàng dùng tiền ảo bitcoin để thanh toán. Ở Nhật Bản thì cho phép thanh toán bằng bitcoin tại một số cửa hàng, quán cà phê.

Nhưng cũng có một số quốc gia như Trung Quốc hay Hàn Quốc đang tính đến các biện pháp kiểm soát chặt tiền ảo vì lo ngại rủi ro tiềm tàng đối với hệ thống tài chính như đầu cơ, rửa tiền, trốn thuế...

Còn dạng thứ ba là những quốc gia không cấm cũng không cho phép, kiểu “lửng lơ con cá vàng” và trong đó có VN. Bởi tại VN tiền ảo không bị cấm mua bán, trao đổi, cho tặng… mà chỉ bị cấm thanh toán. Nói cách khác là chỉ cấm xem tiền ảo bitcoin và các đồng tiền ảo giống như một loại tiền tệ.

Học kinh nghiệm các nước là cần thiết

Trong đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo, Thủ tướng có yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu kinh nghiệm tại một số nước như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Tôi cho rằng việc nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của các nước là cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm sao thiết kế được khung pháp lý phù hợp với nền kinh tế, văn hóa kinh doanh… của người Việt. Đó là đòi hỏi từ cuộc sống.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

Không thể không quản được là cấm

. Nhiều ý kiến cho rằng để quản lý tiền ảo thì phải gắn cho tiền ảo một danh xưng cụ thể để rồi từ đó xây dựng quy chế, công cụ để quản lý nó. Vậy theo ông, nên định danh, gọi tên các loại tiền ảo như thế nào là hợp lý?

+ Tôi cho rằng có thể xem nó như một sản phẩm đầu tư như vàng hay trái phiếu chính phủ. Khi đó người dân có quyền mua và sở hữu nó nhưng không được phép dùng nó để thanh toán cho các loại sản phẩm dịch vụ. Hoặc nếu xem tiền ảo là hàng hóa đặc biệt thì phải đặt vấn đề quản lý các cá nhân giao dịch tiền ảo có phát sinh lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập…

Bên cạnh đó cũng nên xem xét cho thành lập sàn giao dịch tiền ảo, trong đó Nhà nước nắm quyền quản lý. Bởi sau khi lập sàn giao dịch có thể thu được phí chuyển tiền, thuế giao dịch…, bảo đảm an toàn cho người gửi và người nhận. Đồng thời giám sát được các giao dịch, hoạt động rửa tiền.

. Có ý kiến đề nghị nếu không quản lý được thì phải cấm tuyệt đối, không cho giao dịch, mua bán tiền ảo như hiện nay. Ông có đồng ý với suy nghĩ này không?

+ Bitcoin nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung là sản phẩm tài chính vô cùng phức tạp và khó quản lý. Có điều theo tôi, dù khó đến mấy vẫn có cách để kiểm soát nếu có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành. Nếu vì khó quản lý mà pháp luật có cấm thì chỉ có thể ngăn cấm nguy cơ chứ không thể triệt tiêu cơ hội, cho dù cơ hội đó là vô cùng rủi ro.

Như vậy, thay vì cấm mình chấp nhận nó và quản lý thì sẽ thu lại nhiều lợi ích hơn. Ví dụ như thu được thuế, ngăn chặn nguy cơ rửa tiền, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ.

. Xin cám ơn ông.

Đang nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý

Quản lý tiền ảo: Khó mấy cũng phải làm! ảnh 3
Ông Nguyễn Thanh Tú

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 13-4, ông Nguyễn Thanh Tú (ảnh), Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế thuộc Bộ Tư pháp, cho hay:  Vụ đang được Bộ Tư pháp giao nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện khung pháp lý để quản lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

“Hiện tại chúng tôi đang thực hiện nghiên cứu, rà soát để đáp ứng đúng tiến độ như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp về nội dung này” - ông Tú nói.

Cụ thể, từ chỉ đạo của Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai đề án và quyết định thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về nội dung đề án giao. Dự kiến tới tháng 8-2018 Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở VN và quốc tế; nhận diện đề xuất định hướng hoàn thiện khung pháp lý...

Ngày 30-1 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo. Văn bản này cho rằng: “Luật Ngân hàng Nhà nước VN, Luật Các tổ chức tín dụng VN năm 2010… tuy không có quy định về tiền ảo nhưng cũng không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo”.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm (tuyệt đối hoặc tương đối) hay dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hoặc dưới dạng tương tự phương tiện thanh toán… để phù hợp hơn với xu thế của thế giới, cũng như phù hợp với đặc điểm, tình hình VN.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm