8 cổ đông 'đẻ' dự án tiền ảo ifan nghi lừa 15.000 tỉ là ai?

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết theo đăng ký kinh doanh của Công ty Modern Tech - nơi “đẻ” ra dự án tiền ảo ifan bị tố lừa 15.000 tỉ đồng - thì đại diện pháp luật, giám đốc công ty này là ông Hồ Xuân Văn (30 tuổi, hộ khẩu thường trú tổ dân cư 7, tổ dân phố 5, TT.A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) nhưng chỗ ở hiện tại là một căn hộ khu A2 tòa nhà Sarimi, khu đô thị Sala (số 10 Mai Chí Thọ, phường An Lợi Đông, quận 2, TP.HCM). Công ty này có vốn điều lệ 100 tỉ đồng.

Công ty Modern Tech đăng ký trụ sở hoạt động tại lầu 9 tòa nhà số 68 Nguyễn Huệ, TP.HCM. Ngành nghề kinh doanh chính gồm hoạt động thiết kế chuyên dụng, lập trình máy vi tính, xuất bản phần mềm, đại lý, môi giới, đấu giá, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính…

Công ty này bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2017 nhưng thực tế văn phòng thuê tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ là ảo, không hoạt động. Công ty này mới chỉ nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng và chưa đăng ký sử dụng hóa đơn. Tuy nhiên, ngày 7-3, Công ty Modern Tech đã thông báo xin tạm ngưng hoạt động chờ làm thủ tục đóng mã số thuế.

Theo danh sách cổ đông sáng lập, ngoài ông Hồ Xuân Văn còn bảy cổ đông sáng lập khác, với vốn góp 12-15 tỉ đồng/người.

Cụ thể, ngoài ông Văn góp vốn 13 tỉ đồng, danh sách cổ đông sáng lập của công ty còn có Bùi Thị Ngọc Mỹ (ngụ Bình Dương) góp 12 tỉ đồng; Hồ Phú Ty (ngụ Tây Ninh) góp 12 tỉ đồng; Lương Huỳnh Quốc Huy (ngụ Long An) góp 12 tỉ đồng; Lưu Trọng Tuấn (ngụ quận 8, TP.HCM) góp 12 tỉ đồng; Nguyễn Đức Trọng (ngụ Đồng Nai) góp 12 tỉ đồng; Nguyễn Trung Hiếu (ngụ Lâm Đồng) góp 12 tỉ đồng; Vũ Hữu Lợi (ngụ Tuyên Quang) góp 15 tỉ đồng.

Công ty Modern Tech tổ chức thuyết trình về triển vọng phát triển của “tiền ảo” ifan

Trong một diễn biến liên quan, chiều 10-4, ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Mạng lưới hữu nghị (FNC), cho biết FNC hoạt động hơn 10 năm qua với vốn điều lệ hơn 500 tỉ đồng.

Ông Cường nhấn mạnh trước đó, một nhóm công ty ifan có công nghệ làm tiền ảo và đặt vấn đề với ông về hợp tác làm tiền ảo và làm ICO để huy động vốn. Dù chưa có văn bản thỏa thuận nào ký kết nhưng nhóm cổ đông của Modern Tech đã dùng uy tín của ông và FNC để chào mời nhà đầu tư nhằm huy động vốn.

"Do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017, tôi có tham dự hai buổi nói chuyện về các dự án và hoạt động của FNC. Khi biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo thì tôi đã cảnh báo nhà đầu tư và không liên quan đến việc bán ICO phục vụ cho động cơ của dự án ifan.

Tôi biết nhóm ifan và Modern Tech đã huy động rất nhiều tiền của nhà đầu tư và không thực hiện một dự án nào như thỏa thuận ban đầu; họ còn thành lập một công ty khác để tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người" - ông Cường phân trần. Ông Diệp Khắc Cường cho biết đang thuê luật sư để làm việc với cơ quan chức năng.

Trước đó, ông Diệp Khắc Cường là người bị nêu tên trong đơn kiện của các nhà đầu tư đã rót vốn vào đồng tiền ảo ifan và Pincoin do Công ty Modern Tech phát hành sau đó bị mất sạch vốn.

Ông cũng được in hình trên băng rôn và được nhà đầu tư căng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) hôm 8-4 để cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giải quyết vụ việc.

Trong các đơn kiện, ông Diệp Khắc Cường bị nêu tên với vai trò là người sáng lập ifan, cùng với sáu cá nhân khác, gắn mác dự án từ Singapore, nhằm mục đích là tạo lòng tin với các nhà đầu tư và nhằm trốn tránh luật pháp VN.

Sau đó công ty này đứng ra huy động vốn hứa hẹn trả lãi suất lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng và khi lôi kéo thêm được người mới sẽ nhận thêm hoa hồng 8%.

Nhóm Công ty Modern Tech đã lôi kéo được khoảng 32.000 người chơi tham gia với tổng số tiền huy động được khoảng 15.000 tỉ đồng.

Thông cáo được ông Diệp Khắc Cường đưa lên trang cá nhân ngày hôm qua

PV (TH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm