Có người bỏ 16 tỉ mua 'vịt trời' vụ lừa tiền ảo Ifan

Như đã thông tin, ngày 8-4 vừa qua, hàng chục người tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng từ tiền ảo Ifan.

Công ty này cam kết với người đầu tư vào tiền ảo Ifan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa bốn tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.

Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo Ifan. Điều đáng nói, sau khi các nhà đầu tư góp vốn 15.000 tỉ đồng thì họ không được các thành viên của Công ty Modern Tech hoàn trả vốn lãi và biến mất.

Theo lời kể của anh Tân thì bạn bè của anh cũng có đầu tư nhưng không nhiều, riêng anh là nặng nhất. "Riêng dự án Ifan tôi đã đổ vào khoảng 600 triệu đồng. Trước đó, tôi cũng từng mất trắng khoảng 1,2 tỉ đồng khi Bitconnect bị sập” - anh Tân nói.

Theo anh này, anh biết đến dự án iFan và nhân vật Lê Ngọc Tuấn (hiện được nhiều người gọi là Tuấn scam) thông qua mạng xã hội. “10 dự án Tuấn tham gia trước đây thì có đến chín dự án thành công. Tiền lãi nhân 30, 40 lần là chuyện bình thường. Có dự án lên đến 100 lần. Đó là cơ sở để chúng tôi tin tưởng”.

Với những dự án lừa đảo kiểu Ifan thì công thức chung nhất là đánh vào lòng tham của người tham gia. Nhóm tạo lập dự án IFan áp dụng hình thức lending (ủy thác đầu tư) để hưởng lãi suất  ít nhất 48%/tháng.

Để phát triển mạng lưới, nhóm sáng lập Ifan chi trả hoa hồng môi giới theo hình kim tự tháp với tám cấp khác nhau với mức hoa hồng từ 0,1%-8% trên số tiền nhà đầu tư mới tham gia. 

Chị Xuân Hà (quận 2, TP.HCM) cho biết: Dự án đầu tư Ifan huy động vốn đúng vào thời điểm thị trường tiền kỹ thuật số sôi động nhất, vào thời điểm tầm từ tháng 10-12 năm ngoái, giá các loại coin liên tục lập đỉnh.

Tính chung trong cả năm 2017, đồng Bitconnect đã tăng gần 1.000 lần. Nhìn vào biểu đồ tăng giá khủng khiếp đến mức như vậy thì liệu rằng có đủ hấp dẫn nhà đầu tư không 

"Thực tế cũng có nhà đầu tư theo phong trào, thấy "ngon" quá thì lao vào nhưng cũng có không ít nhà đầu tư là những người có kiến thức, có hiểu biết và chấp nhận rủi ro. Họ tham gia với tâm thế "được ăn cả, ngã về không", họ sẵn sàng đánh đổi và liều mạng. Do đó, mọi cái đều có giá của nó chứ không có chuyện một bước lên triệu phú, tỉ phú dễ dàng thế đâu" - chị Hà chia sẻ. Thâm chí theo giới đầu tư, có người đã chi đến hơn 16 tỉ đồng vào dự án này nhưng nguy cơ mất trắng. 

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết: "Vụ việc Ifan làm các nhà đầu tư tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mã hóa) thiệt hại nặng nề đã phối hợp các kỹ thuật tài chính từ chính thống đến lừa đảo như mô hình Ponzi, MLM (đa cấp tiền số) và lending (bán gói và NĐT không được cầm coin của chính mình, một hình thức đơn thuần lấy một phần tiền lời của chính NĐT đó một cách công khai và trả lại cho chính họ). Cần phải lưu ý rằng bất kỳ một lời hứa lợi nhuận nào cao gấp ba lần lãi suất ngân hàng trở lên thường sẽ có mùi lừa đảo".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm