‘Tiền ảo’ ngày một lận đận

Mark Karpeles, cựu giám đốc điều hành của Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch tiền kỹ thuật số bitcoin lớn nhất thế giới, cho biết bản thân ông không còn là một “tín đồ” của bitcoin. Những yếu tố khiến Karpeles và nhiều người bi quan về “tiền ảo” có thể kể đến như các rủi ro an ninh mạng, sự can thiệp ngày một lớn của các chính phủ và sự bão hòa vốn đổ vào thị trường tiền mã hóa.

Phá sản vẫn có khoản tiền kếch xù

Vụ bê bối của Mt.Gox tại Nhật Bản là một trong những ví dụ rõ nhất về rủi ro rất lớn của tiền mã hóa liên quan đến vấn đề an ninh mạng. Ông Karpeles điều hành hoạt động giao dịch tại đây từ năm 2011. Đến năm 2014 thì công ty này nộp đơn xin phá sản sau khi 850.000 đơn vị bitcoin của khách hàng, trị giá gần 500 triệu USD, rơi vào tình trạng “thất lạc” trên không gian ảo. Tại thời điểm này, Mt.Gox đang là đầu mối giao dịch của gần 80% lượng tiền kỹ thuật số trên toàn cầu, theo hãng tin RT. Sàn giao dịch này sau đó tuyên bố thu hồi được 200.000 đơn vị bitcoin. Ông Karpeles đổ lỗi vụ thất lạc là do lỗ hổng phần mềm bảo mật và các tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống của Mt.Gox.

Chỉ một năm sau đó, Karpeles bị cảnh sát Nhật Bản bắt giữ vì bị tình nghi đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của Mt.Gox để làm giả dữ liệu về cân bằng tài chính công ty. Sau khi được tại ngoại, Karpeles bị cơ quan điều tra Nhật Bản bắt giữ lần thứ hai với cáo buộc biển thủ. Giám đốc điều hành của Mt.Gox được cho tại ngoại vào tháng 7-2016 với điều kiện phải ở lại Nhật Bản. Đến tháng 10-2017, ông kháng cáo cả hai tội danh biển thủ và cố ý thay đổi dữ liệu.

Dù bản thân đang đứng trước khả năng bị kết luận phạm tội và công ty khởi nghiệp của mình đã phá sản, Karpeles vẫn có thể trở thành tỉ phú sau khi quá trình giải quyết phá sản của Mt.Gox hoàn thành. Tòa án tại Nhật Bản đã quyết định bồi thường cho những người gửi tiền kỹ thuật số tại Mt.Gox bằng đồng yen, khiến giá trị của mỗi đơn vị bitcoin được bồi thường chỉ vào khoảng 400 USD. Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, sau khi dứt điểm bồi thường thì lượng bitcoin còn lại của Mt.Gox sẽ được vốn hóa và Karpeles sẽ nắm trong tay số tiền hơn 1 tỉ USD, theo Bloomberg.

Sau những sóng gió cùng Mt.Gox, ông Karpeles cũng trở nên bi quan đối với tương lai của bitcoin nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung. Trả lời hãng tin Bloomberg trong một buổi giao lưu trực tuyến trên trang mạng xã hội Reddit hôm 4-4, ông cho biết: “Công nghệ đằng sau tiền kỹ thuật số chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại nhưng bitcoin có lẽ sẽ gặp rắc rối trong phát triển và bắt kịp với thời đại. Dẫu sao vẫn có thể là tôi dự đoán sai. Tôi cũng từng sai sót về nhiều điều”.

Công ty giao dịch tiền kỹ thuật số của Mark Karpeles dù đã phá sản nhưng doanh nhân này có thể vẫn trở thành tỉ phú. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tháng 2-2018 đã công bố đồng tiền mã hóa chống lưng bằng dầu mỏ của riêng nước này. Ảnh: AP

Giá trị giảm liên tục

Công nghệ đằng sau bitcoin mà Karpeles đề cập đến chính là blockchain. Công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn, không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin, dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Nó tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà sự lưu chuyển của các thành tố được giám sát chặt chẽ. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự “đồng thuận” của tất cả các nút trong hệ thống. Công nghệ này trở nên vô cùng hữu hiệu để quản lý từ chuỗi cung ứng hàng hóa cho đến giao dịch tiền tệ quốc tế, theo Bloomberg.

Giai đoạn cuối năm 2017 là thời kỳ vàng son của bitcoin, với giá trị đồng tiền kỹ thuật số này liên tục xô đổ những kỷ lục do chính mình đặt ra, tiến gần đến cột mốc 20.000 USD/đơn vị bitcoin. Nhưng kể từ đó, hiện tượng tiền tệ mới này bắt đầu có dấu hiệu chững lại và liên tục rớt giá. Từ đầu năm tới nay, bitcoin đã mất gần 50% giá trị. Hết tháng 3-2018, đồng bitcoin giảm từ 13.412 USD xuống còn 6.928 USD, tương đương mức giảm hơn 48%, bốc hơi 119,9 tỉ USD vốn hóa, theo dữ liệu từ trang CoinDesk. Không chỉ riêng bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số phổ biến thứ hai thế giới là ethereum cũng trải qua quý I tồi tệ nhất trong lịch sử. Đồng tiền này cũng mất 47,7% giá trị trong quý đầu năm 2018 khi giảm từ mức 755 USD xuống 394 USD, theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com.

Hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới đang tìm cách kiểm soát hiện tượng tiền mã hóa. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ đã tuyên bố không xem tiền kỹ thuật số là tiền tệ hợp pháp, quyết sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để triệt tiêu việc sử dụng tài sản mã hóa trong hệ thống thanh toán quốc gia. Giới chức tại Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang siết chặt các quy định về tiền thuật toán. Còn tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán (SEC) đang tìm cách luật hóa thị trường “tiền ảo”. Ủy ban Hàng hóa tương lai và trao đổi Mỹ (CFTC) cũng đã yêu cầu điều tra nhiều sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, trong đó có các ông lớn như Bitfinex và Tether. Các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Twitter và Google đã cấm quảng cáo tiền thuật toán nhằm tránh dính dáng đến loại tài sản mới này. Nền tảng cộng đồng quen thuộc với giới đầu tư tiền thuật toán là Reddit cũng tuyên bố không tiếp tục chấp nhận các khoản thanh toán bằng bitcoin.

Ngoài ra, lượng vốn mới đổ vào tiền thuật toán đang ít dần, đồng nghĩa với việc tăng trưởng của thị trường này sẽ không được như năm trước. Đó là chưa kể đến số bitcoin khổng lồ của Mt.Gox đang bị Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ phát mại để đền bù cho những khách hàng của quỹ này. Nobuaki Kobayashi, công tố viên tại Tokyo phụ trách vụ phá sản của Mt.Gox, đầu tháng trước cho biết đã thu về gần 400 triệu USD từ việc bán bitcoin của công ty trên. Ông cho biết lượng tiền kỹ thuật số còn lại có thể lên đến 1,9 tỉ USD.

Chống lưng tiền kỹ thuật số bằng vàng, dầu mỏ

Venezuela đang nỗ lực xây dựng đồng tiền mã hóa của riêng nước này là đồng petro, được chống lưng bằng nguồn dự trữ dầu mỏ khổng lồ của nước này. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tháng 2 cho biết đồng petro đã thu được 735 triệu USD trong ngày đầu tiên của đợt mở bán sớm. Công cụ tiền tệ mới này nhằm mục đích thu thêm ngoại tệ để kéo nền kinh tế Venezuela thoát khỏi khủng hoảng và trừng phạt kinh tế. Thậm chí đã có những thông tin cho biết Venezuela tính dùng tiền kỹ thuật số để giải quyết khoản nợ gần 3,15 tỉ USD với Nga. Tuy nhiên, vào tháng trước ông Konstantin Vyshkovsky, lãnh đạo bộ phận nợ quốc gia thuộc Bộ Tài chính Nga, cho biết Venezueala vẫn chưa đưa ra lời đề nghị nào liên quan đến trả nợ bằng tiền mã hóa.

Trong khi đó tại các nước Ả Rập như Saudi Arabia và UAE, công dân các nước theo luật Hồi giáo Sharia đã được cảnh báo về việc mua tiền kỹ thuật số đi ngược lại niềm tin của người Hồi giáo rằng hoạt động kinh tế phải dựa trên tài sản hiện hữu. Để giải quyết vấn đề này, một công ty khởi nghiệp công nghệ tại Dubai tên OneGram đã cho ra đời loại tiền mã hóa với giá trị chống lưng là... vàng. Cụ thể, cứ mỗi đơn vị tiền mã hóa OneGram sẽ tương đương với tối thiểu 1 g vàng được trữ trong kho do công ty này quản lý. Theo hãng tin Reuters, hiện OneGram đã đẩy ra thị trường lượng tiền kỹ thuật số trị giá hàng chục triệu USD. Hiện vẫn còn khoảng 60% đơn vị tiền OneGram chờ được bán ra với lộ trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5-2018.

Theo tạp chí TIME, hiện trên thế giới đang tồn tại hơn 1.500 loại tiền mã hóa với tổng giá trị lên đến hơn 320 tỉ USD. Bitcoin vẫn là đồng tiền nổi tiếng và mạnh nhất trong số đó, chiếm hơn 40% tổng giá trị thị trường tiền mã hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm