Người vi phạm nội quy phiên tòa có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ (Điều 198 BLTTHS).
Trong một thời gian dài, do chưa có quy định chi tiết về nội quy phiên tòa nên các yêu cầu đặt ra đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác tham dự phiên tòa tại các tòa còn chưa thống nhất. Điều này gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa, chưa bảo đảm để các phiên tòa được tiến hành trật tự, nghiêm minh, là nơi tòa án thực thi công lý.
Đến tháng 4-2014, chánh án TAND Tối cao đã ký Thông tư 01/2014 ban hành nội quy phiên tòa. khoản 10 Điều 3 về nội quy phòng xử án quy định: “Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy trường hợp có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án, bị bắt giữ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Thực tiễn đã xảy ra nhiều phiên tòa (cả hình sự lẫn dân sự…) phải tạm thời ngừng hoặc bị cản trở nghiêm trọng do người tham dự phiên tòa, đặc biệt là người nhà bị cáo, người nhà nạn nhân, đương sự mắng chửi, thóa mạ hội đồng xét xử, luật sư, kiểm sát viên…, manh động đập phá tài sản tại phòng xử. Hành vi này gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, làm giảm uy nghiêm của tòa nhưng thực tiễn xử lý phần lớn thường dừng lại ở việc tòa mời công an đến can thiệp, mời người quậy phá, gây rối về trụ sở cơ quan công an làm việc rồi sau đó cũng thả ra. Hãn hữu lắm mới có vụ việc nghiêm trọng bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ… Do vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung tội không tôn trọng tòa án (Điều 404).
Theo tôi, việc bổ sung tội danh cụ thể để xử lý hành vi gây rối, quậy phá tại phiên tòa là rất cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng cái tên “không tôn trọng tòa án” tại Điều 404 không phù hợp với nội dung của điều luật. Bởi lẽ điều luật chỉ xử lý các hành vi được liệt kê như thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xử. Trong khi đó, không tôn trọng tòa án lại có nội hàm rất rộng. Chẳng hạn, đương sự xé quyết định, giấy triệu tập của tòa trong trụ sở hoặc ngoài trụ sở tòa, rõ ràng đó cũng là một loại hành vi không tôn trọng tòa nhưng không thể xử theo Điều 404 vì không được liệt kê. Hoặc những hành vi xâm phạm đến những người tham gia tố tụng, luật sư, giám định viên, người tham dự ngay tại phiên tòa hoặc diễn ra ngay trong khuôn viên tòa thì sao?
Vì vậy, tôi đề nghị sửa tên Điều 404 dự thảo BLHS (sửa đổi) thành tội “vi phạm nội quy phiên tòa” cho phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa