Ca sĩ Quốc Đại và anh em nghệ sĩ hỗ trợ y bác sĩ lúc đêm muộn. Ảnh: NVCC
“Mắc cười nhất là trước khi mặc đồ bảo hộ, anh em phải nhắc nhở nhau “xả nước cứu thân” trước, chứ không là phải ráng nhịn tới cuối giờ làm. Đi mới cảm nhận được hết tình thương mọi người dành cho nhau trong cơn đại dịch này!”- Quốc Đại chia sẻ.
“Tôi từng nghĩ chắc không tham gia nổi”
Nam ca sĩ bắt đầu tham gia vào nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ của Nhà Văn hóa Thanh Niên từ ngày 3-6, tính đến nay đã một tháng.
Một tháng qua, anh chưa một ngày nghỉ, bất kể mưa nắng. Quốc Đại cũng chẳng ngờ mình có thể trụ lại đến ngày hôm nay.
“Ngày đầu tiên tôi làm, nói thiệt là tôi kiệt sức luôn và nản luôn. Hôm đó tôi nói với nhóm là chắc không tham gia nổi vì mình đi tình nguyện mà mọi người còn phải lo cho mình nữa thì tiêu. Mọi người nói tại hôm đầu sẽ vậy mà, đi bữa hai là quen à. Thế là đi. Mà đúng là quen thiệt”- Quốc Đại vui vẻ nhớ lại.
Quốc Đại phờ phạc trong giờ nghỉ được nhiều người chia sẻ. Một hoạ sĩ đồng cảm với bức ảnh nên đã vẽ lại. Ảnh: NVCC
Anh làm theo ca. Công việc của anh là điều phối bà con vào xét nghiệm, tiêm vaccine, ghi mã code để y bác sỹ lấy mẫu xét nghiệm, đi đến các nơi cách ly và bệnh viện dã chiến để trao quà cũng như hát động viên tinh thần y bác sỹ, cán bộ chiến sỹ, các tình nguyện viên, bà con đi cách li… Anh cũng chẳng ngại xắn tay áo vào dọn dẹp kí túc xá để làm nơi cách li tập trung…
Trời nóng, phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang liên tục nên nhiều hôm đi về, anh mệt quá, muốn xin nghỉ một hôm. Nhưng rồi, sáng hôm sau ngủ dậy, Quốc Đại lại khoác áo lên đường vì nóng ruột, mặt trận chống dịch đang căng vậy, anh không cho phép mình nghỉ.
Kí ức những ngày đi tình nguyện chống dịch với anh là những kỉ niệm đẹp trong hành trang cuộc đời. Tình cảm của bà con, tình nghệ sĩ, sự hi sinh của những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch là động lực để anh cố gắng mỗi ngày.
Anh em nghệ sĩ liên tục mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ khi làm công việc này. Ảnh: NVCC
“Nhóm luôn được bà con tại nơi lấy mẫu hỗ trợ đồ ăn thức uống quá trời! Mà mắc cười nhất là trước khi mặc đồ bảo hộ là phải nhắc nhở nha “xả nước cứu thân” trước chứ không là phải ráng nhịn tới cuối giờ làm!
Đôi khi cũng có tranh luận xíu nhưng tất cả cũng vì cái chung là hiệu quả công việc, đôi khi cũng có giận nhâu xíu xiu nhưng nói ra xong thì “gia đình” lại vui vẻ!”- Quốc Đại bật cười nhớ lại.
Vì Sài Gòn bình yên
Nhà ca sĩ Quốc Đại ở khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Những ngày này, nam ca sĩ liên tục đi về giữa Bình Chánh - Bình Tân, anh chạy xe muốn…xỉu.
“Đi hát tôi có tài xế lái chứ đi tình nguyện mình đâu thể để ai chở mình đi được. Mà tôi thì không lái xe hơi được, thế là tự chạy Honda” – anh cười.
Thường anh ra khỏi nhà lúc 3h chiều, chạy xe khoảng một tiếng đồng hồ thì tới điểm tập kết. Ngày sớm nhất thì 10h30 xong, có hôm phải tận 2h30 sáng hôm sau mới hết việc.
Quốc Đại và Phương Thanh mang âm nhạc đến bệnh viện. Ảnh: NVCC
Chuyện phồng rộp chân vì liên tục phải di chuyển nhiều với các nghệ sĩ tham gia tình nguyện là bình thường. Mới đây, khi tham gia hỗ trợ bác sĩ tiêm vaccine tại nhà thi đấu Phú Thọ, nữ ca sĩ Tánh Linh còn bị ngất xỉu.
Quốc Đại chia sẻ việc mặc đồ bảo hộ nhiều tiếng liền khiến anh và các thành viên dễ đuối sức, nhưng đó là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
“Tính ra thì mình đâu mệt bằng các y bác sỹ, nhân viên y tế. Họ làm quần quật cả tháng nay. Cả nhóm chỉ mong góp một phần lực để phần nào hỗ trợ cho y bác sỹ!!”- nam ca sĩ trải lòng.
Anh bảo kỉ niệm thì ngồi nói cả ngày chắc cũng chẳng hết. “Chỉ mong dịch bệnh chóng qua, Sài Gòn bình yên trở lại, để cả nhóm gặp nhau trong không khí vui vẻ hơn!”- Quốc Đại tâm sự.
Ca sĩ Quốc Đại sinh năm 1979 tại TP.HCM. Năm 1998, anh đoạt giải Nhì Tiếng hát Truyền hình TP.HCM. Anh ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi những ca khúc trữ tình, quê hương ngọt ngào, sâu lắng.
Nhiều album của anh được đông đảo người hâm mộ yêu mến như: Đẹp lắm Việt Nam, Nhớ nhau hoài, Yêu một mình, Lâu đài tình ái, Ngày xưa Hoàng thị, Em gái miền Tây… Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những màn song ca cực ngọt của Quốc Đại và Cẩm Ly. |