Chiều nay, 8-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đồng thời bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 việc sửa 4 Luật về Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng, và Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
4 luật và 1 nghị quyết trên sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp đang diễn ra...
Theo quy định hiện hành, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết phải trải qua quy trình chặt chẽ, thận trọng, một mặt đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân, nhưng cũng tránh việc lạm dụng điều chỉnh bằng luật, gây biến động lớn, làm mất tính ổn định của pháp luật.
Chính vì vậy, dù Chính phủ thấy cần thiết phải sửa các luật và tháo gỡ bằng nghị quyết trong các lĩnh vực nêu trên, nhưng thủ tục bắt buộc đầu tiên là phải được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Sự thận trọng ấy được thể hiện trong chính quá trình Quốc hội thảo luận mấy ngày qua, mà như báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng là vẫn có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc sửa ngay các luật này.
Ông Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đã yêu cầu và Chính phủ đã tiếp thu, giải trình. Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Sau khi Quốc hội ban hành các luật này, Chính phủ đã đôn đốc các bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành, đến nay thấy có thể đẩy sớm hiệu lực, chứ không phải mốc 1-1-2025 như quy định trong 4 luật.
Các báo cáo, giải trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy việc sớm triển khai thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản... sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập của các luật cũ, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai. Qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp...
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bổ sung vừa được thông qua, việc sửa 4 Luật về Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng, và ban hành Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ được Quốc hội xem xét ngay tại đợt 2 của kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nội dung chính của việc sửa đổi 4 luật là điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành lên sớm hơn 4 tháng, tức là từ 1-8 tới, thay vì 1-1-2025 như quy định hiện tại của các đạo luật này.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục; tiếp tục rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 luật này và các quy định tại các luật khác có liên quan.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật.
Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài việc bổ sung việc sửa 4 luật và ban hành nghị quyết nêu trên, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 của Quốc hội cũng được bổ sung thêm việc sửa đổi 4 đạo luật về thuế, gồm Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật điều chỉnh các lĩnh vực khác.
Tùy khả năng chuẩn bị của Chính phủ, các luật này có thể được trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp tháng 10 tới.
Cũng trong chiều 8-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Theo đó, sang năm, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Ở cấp độ thấp hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.