Quốc hội xem xét khôi phục hình thức đầu tư BT

(PLO)- Khôi phục hình thức đầu tư BT là một trong những đề xuất đáng chú ý từ Chính phủ trong dự luật “một luật sửa bốn luật” thuộc lĩnh vực đầu tư.

Ngày 30-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ dự luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Đây là một trong những dự luật quan trọng nhằm mục tiêu tháo gỡ ngay những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển.

Đáng chú ý, đối với sửa một số điều trong Luật PPP, Chính phủ đề xuất khôi phục hình thức đầu tư BT vốn đã bị đình chỉ từ năm 2021 với nhiều nguyên nhân. Đa số đại biểu (ĐB) đều đồng tình và đề nghị có cơ chế giám sát, minh bạch hóa trong các khâu thực hiện.

Quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp hơn nữa

ĐB Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng Việt Nam dành nguồn lực lớn cho hạ tầng, chiếm khoảng 5,5%-5,8% GDP, tuy nhiên do điểm nghẽn ở PPP và BT làm cho việc huy động các nguồn lực xã hội gần như bị ngưng trệ.

Theo ĐB Thường, riêng lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay có nhu cầu vốn lớn nhưng vốn từ ngân sách hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 30%, còn lại huy động từ các nguồn lực khác. Chẳng hạn đường sắt cao tốc Bắc - Nam khoảng 67 tỉ USD, Hà Nội cần hơn 50 tỉ USD làm khoảng 600 km đường sắt đô thị, tương tự TP.HCM cũng cần 25-30 tỉ USD để làm đường sắt đô thị.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: QH

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), PPP mà có tới 70% vốn nhà nước thì doanh nghiệp (DN) được lập để làm dự án này sẽ thành DN nhà nước, gây bất bình đẳng giữa DN dự án PPP với các DN nhà nước khác.

Ngược lại, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận nếu để DN 100% thì sẽ không kêu gọi được ai. Để thu hút được nhà đầu tư vào các dự án khó thì phần góp của Nhà nước phải vượt tỉ lệ hiện nay là 50% nhưng không vượt quá 70%.

ĐB Nguyễn Như So (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đánh giá việc “hồi sinh” hình thức hợp đồng BT vào dự thảo luật lần này là một bước đi rất quan trọng nhưng cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách.

“Khi DN quyết định đầu tư một khoản tiền vô cùng lớn để thực hiện dự án BT, họ không chỉ đóng góp hạ tầng cho xã hội mà còn đặt cược vào sự phát triển lâu dài của địa phương. Tuy nhiên, sự công nhận giá trị DN bỏ ra thường bị xem nhẹ” - ĐB So nói. Tuy vậy, ông So cũng bày tỏ lo ngại về chênh lệch giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao so với dự kiến trong hợp đồng. DN ứng trước số vốn khổng lồ nhưng chịu nhiều phát sinh chi phí, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài… khiến chi phí đội lên, trong khi các dự án khác chưa thể sinh lợi.

“Vậy có thiếu công bằng hay không nếu chúng ta chỉ nhìn vào giá trị đất đai được giao mà không tính đến những khó khăn và tổn thất về vốn của DN? Như vậy, liệu chúng ta có thể kỳ vọng thu hút được các nhà đầu tư khác vào phát triển hạ tầng một cách bền vững hay không?” - ĐB So đặt vấn đề.

ĐB Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng nhìn nhận việc khôi phục quy định về hợp đồng BT không thanh toán là cần thiết. Qua đó, góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư một số công trình.

“Trường hợp qua đánh giá nếu bảo đảm khả thi, đủ chín thì quy định ngay trong dự thảo luật, trường hợp thận trọng thì có thể quy định nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc nếu cần thiết thì cũng có thể thí điểm” - ĐB Hiển nói.

Chia sẻ thêm, ông Hiển cho biết các nội dung cụ thể về triển khai loại hợp đồng này trong luật và các nghị quyết hiện nay có các nội dung khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án, thời gian thực hiện, phương thức thanh toán... Do đó, việc luật hóa các nội dung này cũng cần tính toán và xử lý một cách phù hợp để bảo đảm tính khả thi.

Trường hợp này, theo ông Hiển, có thể giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư. Qua đó, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Có nước cấp phép đầu tư chỉ mất năm ngày

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn lưu ý “vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa. Vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị DN đạt chuẩn mực quốc tế. Qua đó, thúc đẩy phát triển DN, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nói thêm Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thăm chính thức UAE, phía bạn thông tin để cấp phép đầu tư một dự án, bạn chỉ cần năm ngày. Thủ tướng cũng cho rằng chúng ta phải nghiên cứu để có thể làm nhanh như vậy.

Liên quan đến thủ tục đầu tư tại UAE, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay người ta chỉ mất năm năm để xây dựng được TP Dubai với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các quy định của UAE rất rõ và “cứ thế mà làm”. Đơn cử như nhiệm vụ thiết kế, họ chỉ cần tuân thủ hai quy định gồm: Không tòa nhà nào giống tòa nhà nào và khoảng cách từ tòa nhà này đến tòa nhà kia không phải là một đường thẳng. Sau khi thiết kế được mô hình TP, quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế cho TP Dubai chỉ mất… 2 giờ đồng hồ. “Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất ba năm thủ tục. Nếu Dubai được xây dựng với một “rừng” quy định như ở ta thì phải mất… 1.500 năm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Về lý do để bổ sung “thủ tục đầu tư đặc biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói các nước hiện nay không ngừng đổi mới, cải cách. Nếu Việt Nam không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến, đến rồi lại đi…

“Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào… Còn nhà đầu tư thì chỉ có một quyền thôi, đó là “không làm”. Vì vậy, thiết kế luật phải hài hòa giữa quản lý nhà nước và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội. Mất cơ hội là mất hết, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, mất cơ hội phát triển.

ĐB Lê Quang Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đồng tình bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Tuy vậy, theo ĐB Huy, bổ sung thủ tục ưu đãi đặc biệt là chưa đủ, mà cần phải bổ sung thêm các mức ưu đãi đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư lớn. Dĩ nhiên các ưu đãi đặc biệt này chỉ nên áp dụng với một số dự án đáp ứng được các tiêu chí nhất định.

ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) cho rằng đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt như trong dự thảo luật đang quá rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Vì vậy, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại danh mục, loại bỏ các doanh nghiệp có nguy cơ cao, đồng thời kiến nghị bổ sung quy định về vốn để ngăn chặn các nhà đầu tư không đủ năng lực, lập dự án chỉ để hưởng ưu đãi.

Bốn vấn đề cần làm rõ để thông qua dự luật “một luật sửa bốn luật”

Để bảo đảm dự luật được thông qua, cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể.

Một là, danh mục dự án trong nội dung các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải rõ. Hai là, thủ tục đầu tư đặc biệt thì thế nào là đặc biệt - phải phân tích, làm rõ.

Ba là, về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển, đặc biệt quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỉ đồng phải quy định cho rõ.

Bốn là, về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện đầu tư theo phương thức này, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thì thế nào là đặc biệt... cũng phải làm rõ hơn.

Đây là dự án luật rất cần thiết mà Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn QH đã họp, cho ý kiến hai lần chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng là của QH.

Do vậy, còn nhiều vấn đề phải tập trung dồn sức để tạo điều kiện cho Chính phủ chỉ đạo, quản lý, điều hành. QH cũng sẽ tăng cường giám sát để thực hiện tốt các nghị quyết của QH.

Chủ tịch QH TRẦN THANH MẪN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới