Quốc khánh Ukraine và thăng trầm của một đất nước 31 năm tuổi

(PLO)- Ngày 24-8 đánh dấu kỷ niệm 31 năm kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô, cũng là cột mốc sáu tháng nổ ra xung đột với Nga. Trong 31 năm qua, lịch sử Ukraine trải qua nhiều nốt thăng, song cũng không kém những nốt trầm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8 đánh dấu sáu tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đây đồng thời là ngày Quốc khánh thứ 31 của Ukraine.

Dưới đây là những sự kiện chính trong lịch sử chính trị của Ukraine kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, theo hãng tin Reuters.

Quốc kỳ Ukraine. Ảnh: AFP

Quốc kỳ Ukraine. Ảnh: AFP

. Năm 1991: Ông Leonid Kravchuk - lãnh đạo nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine tuyên bố độc lập.

Trong một cuộc trưng cầu dân ý, phần lớn người dân ủng hộ việc tách khỏi Liên Xô. Trong cuộc bầu cử tổng thống cùng năm, ông Kravchuk được bầu làm tổng thống.

. Năm 1994: Ông Leonid Kuchma kế nhiệm ông Kravchuk.

Thời điểm đó, Ukraine cũng đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân (lớn thứ ba thế giới vào thời điểm đó, kế thừa từ thời Liên Xô) để đổi lấy các đảm bảo an ninh dựa trên sự tôn trọng độc lập và chủ quyền của nước này theo Bản ghi nhớ Budapest do Ukraine ký với Nga, Mỹ và Anh.

. Năm 2004: Ứng cử viên thân Nga Viktor Yanukovich đắc cử tổng thống nhưng bị cáo buộc gian lận phiếu bầu. Điều này đã kích động các cuộc biểu tình trong cuộc Cách mạng Cam, buộc Ukraine phải tiến hành lại cuộc bỏ phiếu. Sau đó, một cựu thủ tướng thân phương Tây - ông Viktor Yushchenko, được bầu làm tổng thống.

. Năm 2005: Ông Yushchenko lên nắm quyền với lời hứa đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Điện Kremlin, hướng về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Ông bổ nhiệm bà Yulia Tymoshenko - cựu giám đốc một công ty năng lượng - làm thủ tướng. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, mâu thuẫn nội bộ của liên minh cầm quyền đã buộc tổng thống Yushchenko phải cách chức bà Tymoshenko và bổ nhiệm một thủ tướng khác.

. Năm 2010: Ông Yanukovich đánh bại bà Tymoshenko trong cuộc bầu cử tổng thống. Moscow và Kiev ký một thỏa thuận về giá khí đốt. Đổi lại, Kiev phải cho phép Hải quân Nga gia hạn hợp đồng thuê một cảng của Ukraine trên bán đảo Crimea thuộc Biển Đen.

. Năm 2013: Chính phủ của ông Yanukovich đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại và hiệp hội với EU vào tháng 11 và chọn phục hồi quan hệ kinh tế với Moscow, gây ra các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Kiev. Ông Putin cáo buộc phương Tây kích động và hỗ trợ các cuộc biểu tình này.

. Năm 2014: Các cuộc biểu tình, phần lớn tập trung xung quanh Quảng trường Maidan của Kiev, dần trở nên bạo lực. Hàng chục người biểu tình thiệt mạng. Vào tháng 2, quốc hội bỏ phiếu loại bỏ ông Yanukovich, người đã bỏ trốn khỏi đất nước. Trong vòng vài ngày, những người có vũ trang chiếm tòa nhà quốc hội ở Crimea và giương cao lá cờ Nga.

Moscow sáp nhập Crimea sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3-2014 cho thấy sự ủng hộ áp đảo của người dân Crimea đối với việc gia nhập Nga.

. Tháng 4-2014: Lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass miền đông Ukraine tuyên bố độc lập. Giao tranh nổ ra và tiếp tục kéo dài với quy mô lẻ tẻ cho đến năm 2022.

. Tháng 5-2014: ông Petro Poroshenko - một tỉ phú thân phương Tây được bầu làm tổng thống.

. Tháng 7-2014: Một tên lửa đã bắn trúng máy bay chở khách mang số hiệu MH17 trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Các nhà điều tra tìm thấy có dấu hiệu tên lửa đã bắn trúng chiếc MH17 là của Nga, tuy nhiên Nga phủ nhận liên quan.

. Năm 2017: Tổng thống Poroshenko đạt được thỏa thuận liên kết với EU về thương mại tự do hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, người Ukraine có quyền đi du lịch miễn thị thực đến EU.

. Năm 2019: Cựu diễn viên hài Volodymyr Zelensky đánh bại ông Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 với lời hứa giải quyết nạn tham nhũng và chấm dứt xung đột ở miền đông. Đảng của ông Zelensky giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7.

. Năm 2021: Vào tháng 1, ông Zelensky ngỏ lời với Tổng thống Mỹ Joe Biden để Ukraine gia nhập NATO. Nga tập trung quân đội gần biên giới Ukraine trong mùa xuân thông qua các cuộc tập trận. Tháng 12, Nga đưa ra các yêu cầu chi tiết về an ninh bao gồm một đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ từ bỏ tất cả hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine.

Đáp lại, NATO lặp lại cam kết đối với chính sách "mở cửa", đồng thời đưa ra các cuộc thảo luận được đánh giá là “thực dụng" về những lo ngại an ninh của Moscow.

. Năm 2022: Phát biểu trên truyền hình ngày 21-2, ông Putin nói rằng Ukraine là một phần không thể thiếu của lịch sử Nga. Ông Putin cũng ký các thỏa thuận công nhận các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là độc lập và ra lệnh cho quân đội Nga tới đó.

Phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Vào ngày 24-2, ông Putin phát động chiến dịch quân sự theo ba hướng ở Ukraine. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh nhằm vào các lực lượng và căn cứ không quân Ukraine. Có các cáo buộc cho rằng quân Nga tấn công dân thường ở các thành phố.

Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, ông Zelensky ra lệnh tổng động viên còn Quốc hội Ukraine thông qua thiết quân luật.

Tính đến nay, xung đột đã kéo dài sáu tháng với ưu thế đang nghiêng về phía Nga khi nước này giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở Ukraine, trong đó nổi bật là các tỉnh Donetsk, Luhansk, Mariupol,... và các TP như Kherson (tỉnh Kherson), Melitopol (tỉnh Zaporizhia),...

Tình hình đang nóng lên ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia), với việc Nga và Ukraine liên tục cáo buộc nhau nã tên lửa vào đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm