Ba kịch bản cho ván cờ Iran

Eo biển Hormuz là đường vận chuyển quan trọng của 1/5 lượng dầu thế giới. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) nhận định ba kịch bản có thể xảy ra trên bàn cờ đối đầu Iran-Mỹ.

Gia tăng sức ép cấm vận

Nếu Mỹ tiếp tục phát hiện các cơ sở hạt nhân mới của Iran, Iran sẽ từ chối hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tiếp tục thử nghiệm tên lửa.

Tổng thống Obama bị áp lực từ Quốc hội Mỹ, Israel và các đồng minh nên sẽ quyết tâm tăng cường các biện pháp trừng phạt, cấm vận hàng hóa đường thủy vào Iran.

Iran trả đũa bằng cách ngừng xuất khẩu dầu và dọa đóng cửa vùng Vịnh. Thực hiện lệnh phong tỏa, tàu chiến Iran sẽ tấn công tàu chở dầu qua vùng Vịnh hoặc tàu chiến Mỹ thực thi lệnh cấm vận.

Ba kịch bản cho ván cờ Iran ảnh 1

Biếm họa của RIBER HANSSON (Thụy Điển).

Căng thẳng dẫn đến chi phí bảo hiểm và vận chuyển vào vùng Vịnh tăng mạnh. Quân đội Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh sẽ gia tăng mức báo động. Căng thẳng tiếp tục tăng cao khi Israel đe dọa tấn công Iran. Dầu xuất khẩu của Iran qua vùng Vịnh bị gián đoạn trong vài tuần và thị trường dầu khá hoảng loạn.

Tuy nhiên, ngoài các đụng độ nhỏ sẽ không có bạo lực trên diện rộng. Rốt cuộc Iran đồng ý hợp tác với IAEA nhưng có giới hạn. Vấn đề tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục.

Mỹ phong tỏa đường biển Iran

Phản ứng với lệnh cấm vận mới của Mỹ và LHQ, hải quân Iran tấn công ở mức độ thấp nhằm vào đường vận chuyển tại vùng Vịnh. Iran có thể sử dụng lực lượng Al Quds và quan hệ của Vevak (tình báo Iran) với các phần tử cực đoan tại Iraq và Lebanon để tấn công các mục tiêu Mỹ.

50 USD/thùng hay hơn nữa là mức giá dự báo sẽ tăng khi eo biển Hormuz tắc nghẽn một phần, theo ông Lawrence J. Goldstein, Giám đốc Quỹ nghiên cứu chính sách năng lượng. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) dự báo Iran cũng có thể liên tục đe dọa để đẩy giá dầu tăng dần nhằm trả đũa lệnh cấm vận.

Báo New York Times nhận định khả năng Iran đóng cửa eo biển Hormuz khó xảy ra vì con đường xuất khẩu dầu duy nhất của Iran là qua eo biển này (2 triệu thùng dầu/ngày).

Mỹ sẽ đáp trả bằng cách phong tỏa đường biển Iran và lập vùng cấm bay trên vùng Vịnh. Iran trả đũa với biện pháp gài thủy lôi thông minh gần eo biển Hormuz và vịnh Oman. Tàu chiến Iran sẽ tấn công tàu chở dầu trong vùng Vịnh, đồng thời thả thủy lôi trôi tự do trong vùng Vịnh.

Khả năng căng thẳng nhất là Iran bắn tên lửa trên đất liền vào hải quân Mỹ. Hành động này đủ gây hoảng loạn trên thị trường dầu thế giới.

Tình hình căng thẳng có thể kết thúc sau khoảng 10 ngày. Thổ Nhĩ Kỹ sẽ là nước trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn. Tình hình quân sự vẫn giữ nguyên trạng đến khi Iran ngừng theo đuổi tên lửa hạt nhân.

Chiến tranh bùng nổ

Mỹ phát hiện Iran nhập khẩu khối lượng lớn uranium đã làm giàu từ một trong những nước Liên Xô cũ. Tình báo Mỹ nhận định Iran đã đủ nguyên liệu chế tạo tên lửa hạt nhân trong vòng một năm thay vì 3-5 năm như trước.

Iran, Mỹ và các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh chuẩn bị cho xung đột. Israel sẽ âm thầm chuẩn bị tấn công bất ngờ vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Không quân Israel sẽ sử dụng không phận Syria nhằm tránh không phận của các nước Ả Rập lúc này đã lên án Israel. Căng thẳng giữa các nước Ả Rập với Mỹ sẽ leo thang.

Iran sẽ đe dọa hủy diệt Israel và bắn tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel cùng các căn cứ Mỹ trong vùng Vịnh.

Iran có 125.000 quân chính quy và lực lượng dân quân Basij gồm 90.000 người (khả năng có thể huy động lên 1 triệu người). Hải quân Iran gồm 20.000 quân, trong đó có 5.000 lính thủy đánh bộ. Không quân Iran gồm một lữ đoàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab (300-500-700 km) với 12-18 bệ phóng và một tiểu đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 (1.200-1.280 km) với sáu bệ phóng và bốn tên lửa. Lực lượng đặc nhiệm Al Quds của Iran gồm 5.000-15.000 người có khả năng thực hiện chiến tranh đặc biệt ngoài lãnh thổ Iran.

QUANG MINH (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm