Bỏ lệnh cấm Hồi giáo, ông Biden chìa ‘nhành ô liu’ với Iran

Ngay sau buổi lễ nhậm chức 20-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành ký hàng loạt các lệnh hành pháp nhằm hủy bỏ nhiều chính sách và quyết định của người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, theo tờ Asia Times, động thái của ông Biden trong quyết định hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia Hồi giáo báo hiệu một chính sách đối ngoại mang tính hòa giải hơn ở Trung Đông.

Sắc lệnh gây nhiều tranh cãi

Cựu Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp 13769 hay còn được biết dưới tên gọi “Sắc lệnh bảo vệ quốc gia khỏi sự nhập cư của khủng bố nước ngoài vào Mỹ” vào tháng 1 năm 2017. 

Theo đó, sắc lệnh này đã hạn chế việc nhập cảnh vào Mỹ của công dân các nước đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Cựu Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Ảnh: Shutterstock/REX.

Sắc lệnh này cũng đình chỉ vô thời hạn việc tiếp nhận người tị nạn Syria và cắt giảm tổng số người tị nạn mà Mỹ tiếp nhận xuống còn 50.000 người mỗi năm. 

Do tất cả các quốc gia trong danh sách cấm đi lại đều là các quốc gia đa số theo đạo Hồi, nên sắc lệnh này được biết đến rộng rãi với tên “lệnh cấm Hồi giáo”.

Động thái trên của ông Trump đã phải hứng nhiều chỉ trích trong và ngoài nước, nhiều cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh diễn ra trên toàn quốc. 

Sắc lệnh của ông Trump đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay do nhiều người bị bắt giữ để thẩm vấn trong khi hàng trăm người bị trục xuất.

Theo Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, 721 người có thị thực Mỹ hợp lệ đã không được phép lên máy bay và ít nhất 60.000 thị thực cấp cho công dân tại các quốc gia trong danh sách cấm đã bị thu hồi chỉ trong 72 giờ sau khi lệnh cấm có hiệu lực.

Trong khi đó, các tòa án cấp quận và liên bang trên khắp nước Mỹ đã cáo buộc sắc lệnh của ông Trump là vi hiến vì đã cho phép sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo, điều mà Hiến pháp Mỹ cấm trong Tu chánh án đầu tiên.

Sáu tuần sau đó, trong bối cảnh bế tắc về mặt pháp lý, ông Trump đã ban hành một phiên bản sửa đổi mang tính “giảm nhẹ” hơn và có một số điểm khác biệt so với sắc lệnh ban đầu. Sắc lệnh mới này đã gỡ bỏ Iraq ra khỏi danh sách cấm và đưa hai quốc gia không theo đạo Hồi là Triều Tiên và Venezuela vào danh sách.

Tuy nhiên sắc lệnh mới cũng lưu ý những công dân đến từ các quốc gia bị cấm trên vẫn được nhập cảnh vào Mỹ nếu có thị thực hợp lệ.

Sau các cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài về việc liệu chính sách của ông Trump có thể là lệnh cấm vô lý nhắm vào người Hồi giáo hay không, Tòa án tối cao đã thông qua quyết định ủng hộ sắc lệnh chống nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia Hồi giáo với tỉ lệ 5-4.

Ông Trump gọi phán quyết của Tòa án tối cao là “chiến thắng của nền an ninh quốc gia” và nói rằng “với tư cách Tổng thống, tôi không cho phép những kẻ muốn làm hại người Mỹ nhập cảnh vào đất nước chúng ta”.

Iran “chật vật” với lệnh cấm

Trong số các quốc gia có tên trong lệnh cấm, Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Sinh viên Iran trong một cuộc biểu tình. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP.

Vào năm 2015, quốc gia này đứng đầu danh sách số lượng công dân được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh và thị thực không định cư bao gồm thị thực dành cho sinh viên, các loại thị thực du lịch B-1, B-2. Theo thống kê, khoảng 42.542 thị thực Mỹ được cấp cho công dân mang hộ chiếu Iran.

Trước khi có lệnh cấm, Iran là quốc gia đứng thứ 11 về số lượng sinh viên Iran theo học tại Mỹ.

Sau khi lệnh cấm được thực thi, trong giai đoạn từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2019, chỉ có 1.607 hồ sơ thị thực không định cư được cấp cho người Iran bao gồm sinh viên và những trường hợp miễn trừ do Bộ Ngoại giao Mỹ quy định. Tổng cộng 18.571 đơn xin cấp thị thực đã bị từ chối.

“Ngay cả khi những sinh viên Iran có thị thực hợp lệ, họ cũng có thể gặp rắc rối tại sân bay và bị quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới yêu cầu quay về nước” - bà Maryam Jamshidi, trợ lý giáo sư tại trường Đại học Florida, trường Luật Levin cho biết.

Bà Jamshidi cũng tin rằng “Lệnh cấm Hồi giáo” là “bản thiết kế phân biệt chủng tộc một cách rõ ràng”.

Ông Biden chìa “nhành oliu” với Iran

Việc Tổng thống Bien đảo ngược lại lệnh cấm đã làm sống lại những hy vọng rằng người nhập cư sẽ không còn bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ và là cơ hội cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội tại nơi được gọi là “quốc gia của người nhập cư”.

Tổng thống Joe Biden đã hủy bỏ "lệnh cấm Hồi giáo". Ảnh: TWITTER.

“Tôi nghĩ rằng chính quyền ông Biden đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với một chính sách nhập cư hợp lý và toàn diện” - bà Melody Moezzi, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học North Carolina Wilmington cho biết. 

Đồng thời bà Moezzi cho rằng nước Mỹ đang suy yếu khi đề cập tới việc nhiều người trong nhiệm kỳ của ông Trump đã không coi Mỹ là quốc gia cho lựa chọn nhập cư đầu tiên thay vào đó là Canada, New Zealand và một số nước châu Âu.

Trong các buổi vận động tranh cử Tổng thống trước đây, ông Biden đã đưa ra cam kết sẽ khôi phục lại Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran, cũng như sẵn sàng áp dụng biện pháp ngoại giao và từ bỏ “áp lực tối đa” của người tiền nhiệm đối với Iran.

Một số nhà phân tích cho rằng việc gỡ bỏ “lệnh cấm Hồi giáo” là bước đi đầu tiên trong việc cải thiện mối quan hệ Mỹ - Iran. 

Luật sư Pantea Javidan, nghiên cứu viên của Trung tâm Nhân quyền và Công lý Quốc tế tại Đại học Stanford cho biết: “Đây là một bước đi quan trọng, cùng với JCPOA và các biện pháp khác sẽ làm giảm leo thang xung đột".

"Chính quyền [ông Biden] có một cơ hội lớn để thay đổi tiến trình lịch sử theo hướng tốt hơn khi đề cập đến mối quan hệ của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới” - bà Javidan nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm