Các nước cứu doanh nghiệp trước viễn cảnh năm COVID-19 thứ 3

Những tưởng với việc có vaccine và sắp có thuốc điều trị thì đại dịch sau hai năm hoành hành sẽ bị khống chế nhưng các diễn biến bùng phát gần đây, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Omicron thì khả năng lớn thế giới phải tiếp tục sống cùng dịch COVID-19 trong năm tới. Đây là viễn cảnh cực kỳ thách thức với các doanh nghiệp (DN).

Chính phủ biết rõ các DN đang phải đối mặt với “sự bất ổn lớn trong thời điểm quan trọng”.
Bộ trưởng Tài chính Anh RISHI SUNAK nói ngày 21-12 

Lay lắt qua bao đợt dịch

Ngành du lịch của Thái Lan vừa mở cửa lại không lâu (tháng 11) sau 18 tháng đóng cửa vì dịch giờ lại gặp khó. Ngày 21-12, người phát ngôn của chính phủ Thái Lan cho biết nước này sẽ khôi phục quy trình cách ly bắt buộc đối với du khách nước ngoài do lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, du khách đến Thái Lan sẽ phải cách ly tại khách sạn 7-10 ngày, theo hãng tin Reuters. Quy định này sẽ tác động tiêu cực đến du lịch - ngành công nghiệp chủ chốt của Thái Lan vốn thu hút 40 triệu du khách vào năm 2019.

Các DN Hàn Quốc đang rất mệt mỏi với quy định giới nghiêm mà chính phủ ban hành tuần trước để đối phó với đợt bùng phát mới khiến số ca nhiễm hằng ngày tăng cao kỷ lục. Chẳng hạn, ngày 20-12, Hàn Quốc ghi nhận tới 5.202 ca nhiễm và 52 người chết. Theo quy định giới nghiêm, đến 9 giờ tối, các nhà hàng, quán ăn trên cả nước phải đóng cửa.

Ông Ramon Aguirre, chủ nhà hàng Bella Notte Ristorante ở bang Chicago (Mỹ), đứng trước cửa nhà hàng vắng khách mùa dịch. Ảnh: BRIAN RICH/SUN-TIMES

Tại Chiết Giang, một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất và bận rộn nhất của Trung Quốc và đang là điểm dịch lớn nhất nước, hàng loạt công ty đã phải ngưng hoạt động khi chính phủ siết thêm các biện pháp chống dịch COVID-19. Phần nhiều các DN đóng cửa là các cơ sở sản xuất hàng hóa như pin, quần áo, thuốc nhuộm dệt, nhựa.

Tại Anh, những ngày này chứng kiến đợt bùng phát rất mạnh với trên dưới trăm ngàn ca nhiễm mỗi ngày, cao hơn cả thời điểm dịch mới xuất hiện đầu năm 2020. Trên khắp nước Anh, mọi lĩnh vực công nghiệp đều bị ảnh hưởng do nhân viên nhiễm COVID-19 phải nghỉ cách ly, theo hãng tin AFP. Lúc này đang đợt lễ Giáng sinh nhưng các công ty xe lửa đã phải xin lỗi vì khả năng phải điều chỉnh lịch trình, thậm chí hủy chuyến do thiếu nhân viên. Nhiều địa điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng ở London buộc phải đóng cửa vì nhân viên bị nhiễm quá nhiều.

Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), từ đầu tháng 12, các nhà bán lẻ trong nước đã cảm nhận sự vắng khách, vì dân tránh ra khỏi nhà để tránh nhiễm COVID-19. Nhà kinh tế hàng đầu của CBI Ben Jones cho biết doanh số bán lẻ đã chậm lại và doanh số dự đoán cho tháng 1-2022 đã bị điều chỉnh giảm. Ông lo ngại tình hình dịch cứ tăng thế này thì nhân viên sẽ còn thiếu nữa và chuỗi cung ứng sẽ còn gián đoạn trầm trọng hơn trong năm tới.

Tại Mỹ - nước bị dịch COVID-19 hoành hành nặng nhất thế giới, vì đại dịch, có thời điểm đã có khoảng 40 triệu người Mỹ mất việc. Rất nhiều DN gặp khó và buộc phải đóng cửa.

CNN dẫn số liệu từ Hiệp hội Nhà hàng quốc gia Mỹ cho biết trong gần hai năm dịch, có khoảng 90.000 nhà hàng (14% toàn bộ nhà hàng ở Mỹ) đã đóng cửa vĩnh viễn. Số còn lại thì đang phải vật lộn với việc thiếu nhân viên, giá cả tăng, giờ lại thêm khách không ra ngoài vì sợ nhiễm bệnh.

Các chính phủ chung tay

Ngày 17-12, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ đang chuẩn bị một gói hỗ trợ 4.300 tỉ won (3,6 tỉ USD) để giúp các DN nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, mỗi chủ DN nhỏ được hỗ trợ 1 triệu won (839 USD) - số tiền mà nhiều chủ DN nói “chẳng thấm vào đâu”. Vài tuần trước đó, Quốc hội Hàn Quốc duyệt ngân sách kỷ lục 607.700 tỉ won (hơn 509,5 tỉ USD) cho năm 2022 để hỗ trợ khôi phục kinh tế và trợ cấp các thành phần bị ảnh hưởng vì đại dịch.

Tuần trước, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đã phát hành 1.460 tỉ nhân dân tệ (229,21 tỉ USD) trong hạn ngạch tạm ứng năm 2022 cho trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương để giúp thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế, theo Tân Hoa Xã. Ông Ning Jizhe, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu chính phủ, tăng hỗ trợ các công ty sản xuất và các DN nhỏ, cũng như đảm bảo ổn định giá cả. Trung Quốc cũng sẽ ổn định chuỗi cung ứng công nghiệp, tập trung giải quyết tình trạng thiếu chip, giám sát giá cả hàng hóa.

Ngày 21-12, Bộ Tài chính Anh công bố gói hỗ trợ 1 tỉ bảng dành cho các DN bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, với khoảng 200.000 công ty dạng này được nhận trợ cấp. Từ năm 2020, Anh đưa ra các đợt miễn, giảm và cắt giảm thuế bán hàng, mở rộng cho vay khẩn cấp để các DN duy trì hoạt động.

Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ, lãnh đạo DN lên tiếng muốn chính phủ hỗ trợ thêm các DN và người dân trong hoàn cảnh khó khăn này. Theo cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng Gene Sperling, tuần rồi vẫn còn hàng tỉ USD trong gói 1.900 tỉ USD mà chính phủ ban hành trước đó đủ giải quyết tác động trước mắt của biến thể Omicron.•

Tuyệt vọng với “cơn bão hoàn hảo”

Sau hai năm đại dịch, tình cảnh các DN - đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, giải trí - lúc này vẫn lao đao, đặc biệt khi dịch bùng mạnh lại ở khắp nơi vì sự kết hợp lây lan của biến thể Delta và Omicron, cùng sự tiếp sức của mùa đông lễ hội.

Dịch bùng lại trong lúc các DN đang nỗ lực hết sức nắm cơ hội mùa lễ hội cuối năm để phục hồi sau hai năm khó khăn. Và rồi rất nhiều chủ DN phải thừa nhận họ tuyệt vọng với “cơn bão hoàn hảo”, tức làn sóng dịch mới.

Dù đang mùa lễ hội - thời điểm kiếm tiền nhiều nhất trong năm của các cửa hàng bán lẻ nhưng nhiều chủ cửa hàng phải chủ động hủy các sự kiện, khuyến mãi để tránh lôi kéo đông khách đến lây dịch cho nhân viên.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm