AP ngày 26-11 đưa tin ông Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học đến từ ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc (TQ), tuyên bố ông vừa tạo ra được hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới. Gen của cặp sinh đôi có tên Lu Lu và Na Na đã được chỉnh sửa để có khả năng chống lây nhiễm virus HIV/AIDS từ chính cha mẹ mắc bệnh của mình. Thông tin này đã gây chấn động và tranh cãi trong giới khoa học.
Chỉnh sửa gen để miễn dịch với HIV
Theo tạp chí CNET, những nghiên cứu đầu tiên về trường hợp này được tạp chí MIT’s Technology Review và có sự kết nối với các tài liệu y học của Cơ quan Đăng ký thử nghiệm lâm sàng TQ do ông Hạ Kiến Khuê, một nhà nghiên cứu thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam (TQ), đứng đầu công bố.
Các tài liệu cho thấy nhóm nghiên cứu đang chạy thử nghiệm thay đổi gen CCR5, một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người như HIV, đồng thời là tác nhân gây bệnh AIDS. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng loại phân tử CRISPR/Cas9, một công nghệ mới có thể “cắt và dán” một cách chính xác, cho phép loại bỏ các phần ADN và thay thế chúng theo ý muốn. Bằng cách sử dụng CRISPR để biến đổi gen CCR5, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ giúp những đứa trẻ miễn dịch với HIV trong suốt cuộc đời của chúng.
Ông Hạ cho biết đã điều chỉnh phôi cho tổng cộng bảy cặp vợ chồng trong quá trình điều trị khả năng sinh sản. Tuy nhiên, chỉ một cặp thành công tính tới thời điểm hiện tại. Tất cả đàn ông trong thí nghiệm đều dương tính với HIV trong khi phụ nữ thì không.
Trả lời báo Guardian, nhà khoa học TQ nói rằng mục đích của ông không phải chữa trị hay ngăn ngừa một căn bệnh di truyền mà chỉ cố gắng đưa vào gen đó một khả năng ít người có được bẩm sinh. Đó là khả năng chống lại việc bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chính cha mẹ mắc bệnh. Ông nói ông chọn thử nghiệm chỉnh sửa gen chống lại virus HIV bởi vì căn bệnh này đang là một vấn đề lớn ở TQ.
“Xã hội sẽ quyết định phải làm gì tiếp theo” - ông Hạ trả lời khi được hỏi về việc nên cho phép hay cấm đoán biến đổi gen ở con người.
Ông Hạ Kiến Khuê. Ảnh: NDTV
Một chú heo được chỉnh sửa gen là sản phẩm của Viện Nghiên cứu gen Bắc Kinh (BGI). Ảnh: AP
Một khay vi thể chứa phôi thai đã được tiêm protein Cas9 và PCSK9 sgRNA. Ảnh: AP
“Nguy hiểm, thiếu trách nhiệm”
Tuyên bố táo bạo trên của nhóm ông Hạ vấp phải những hoài nghi lẫn chỉ trích vì nghiên cứu vẫn chưa được xác minh độc lập và chưa được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành. Tuy nhiên, ông Hạ đã tiết lộ điều này với một trong những nhà tổ chức một hội nghị quốc tế về biến đổi gen diễn ra ngày 27-11 tại Hong Kong. Trước đó, nghiên cứu của ông cũng được chia sẻ trong một bài phỏng vấn độc quyền với hãng tin AP.
Theo SBS, ngay cả nơi ông Hạ công tác cũng nhận xét nghiên cứu của ông “vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức và quy tắc học thuật”.
“Nghiên cứu của GS Hạ Kiến Khuê diễn ra bên ngoài khuôn khổ nhà trường” - thông cáo chính thức của ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ngày 26-11 cho biết. Một nhóm gồm 100 nhà khoa học tại TQ cùng ký tên vào lá thư lên án các kết quả nghiên cứu của nhà khoa học TQ.
“Đây là tổn hại nặng nề đối với danh tiếng toàn cầu và sự phát triển của nghiên cứu y sinh tại TQ. Thật bất công với đa số các nhà khoa học TQ luôn trung thực trong hoạt động nghiên cứu và phát minh khoa học” - bản thông cáo được đăng trên Weibo ngày 26-11 cho biết.
TS Kiran Musunuru, chuyên gia biến đổi gen của ĐH Pennsylvania (Mỹ), nhận xét: “Thật không thể chấp nhận được… Việc thí nghiệm trên con người không được bảo vệ về mặt đạo đức”. “Còn quá sớm” là nhận định của TS Eric Topol, Giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở California, Mỹ. “Những thông tin vừa qua về nghiên cứu điều chỉnh gen trong phôi thai người nhằm kháng nhiễm HIV là thiếu cơ sở khoa học, nguy hiểm và vô trách nhiệm” - Joyce Harper, giáo sư về di truyền học và phôi người tại ĐH London (Anh), nhận định.
Ngược với những ý kiến trên, nói với Independent, GS George Church công tác tại ĐH Harvard (Mỹ) lại ủng hộ nỗ lực chỉnh sửa gen để miễn dịch HIV. Ông cho rằng mục đích này chính đáng vì HIV là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Các nước phản ứng thế nào?
Một phân tích hồi năm 2014 của ĐH Hokkaido (Nhật) đăng trên trang web unesco.org cho thấy có 29 quốc gia trên thế giới đang có lệnh cấm rõ ràng về mặt pháp lý đối với chỉnh sửa gen trên con người.
Ở Mỹ, việc chỉnh sửa gen trên con người bị cấm, chỉ trừ trường hợp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, theo SBS.
Ở Anh, Canada, Pháp và Đức cũng như nhiều nước phương Tây đặc biệt bày tỏ lo ngại với thuyết ưu sinh (eugenics) hay “đứa trẻ thiết kế sẵn” (designer babies) hoặc “siêu nhân”, The Bulletin cho hay.
Tại Pháp, một chiến dịch mang tên “Stop GMO Babies” (tạm dịch: Dừng ngay những đứa trẻ biến đổi gen) yêu cầu các nhà khoa học không dùng công nghệ chỉnh sửa gen để cải biến phôi người. Họ cho rằng như vậy hoàn toàn trái với tự nhiên và đời sống con người bị thay đổi một cách ép uổng. Pháp đã phê chuẩn Công ước Oviedo, trong đó nói rằng “Tìm cách thay đổi gen người chỉ có thể được áp dụng cho các mục đích phòng ngừa, chẩn đoán hoặc điều trị”.
Tại Anh, một số thành viên đảng bảo thủ bày tỏ lo ngại việc thay thế gen cho những đứa trẻ chưa sinh ra giúp chúng khỏe mạnh và thông minh hơn sẽ là điềm báo cho một tương lai không tốt.
Còn ở Canada, việc chỉnh sửa gen người bị cấm theo đạo luật Assisted Human Reproduction Act năm 2004. Trong đó, nếu vi phạm đạo luật sẽ bị phạt 500.000 đôla Canada và nguy cơ đối mặt 10 năm tù. Tuy nhiên, thiếu cơ quan quản lý giảm sát đạo luật này.
Ở Đức, các thí nghiệm về chỉnh sửa gen người hiện bị hạn chế theo đạo luật Bảo vệ phôi năm 1990. Đạo luật cấm tạo và sử dụng phôi thai phục vụ các nghiên cứu cơ bản, đồng thời cấm thu hoạch tế bào phôi thai. Tuy nhiên, đạo luật này không nêu chi tiết về bảo vệ bào thai chưa thành hình.
Đạo luật Đạo đức sinh học và an toàn sinh học của Hàn Quốc cấm các thí nghiệm về gen và biến đổi phôi người, trong khi đó đạo luật Notification cấm bất kỳ sản phẩm làm thay đổi gen. Những luật này giúp hạn chế các hoạt động mà giới khoa học Hàn Quốc có thể làm liên quan tới con người và các cuộc thí nghiệm lâm sàng trên phôi người.
Quyền năng mang tên CRISPR Công nghệ “biên tập lại” bộ gen phôi thai người CRISPR-Cas9 đã trao cho con người một thứ quyền lực phi thường. Lần đầu tiên trong lịch sử, giới khoa học có thể chỉnh sửa, tái cấu trúc, thậm chí xóa bỏ ADN của gần như mọi loài sinh vật, kể cả con người, theo National Geographic. Trong ba năm qua, công nghệ này đã làm thay đổi diện mạo ngành sinh học. Thực hiện nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu từ nhiều phòng thí nghiệm khắp thế giới đã sử dụng CRISPR để chỉnh sửa những lỗi gen lớn, bao gồm các đột biến dẫn đến teo cơ, xơ nang và một dạng của bệnh viêm gan. Một số nhóm nghiên cứu còn thử nghiệm dùng CRISPR để xóa HIV khỏi tế bào ADN của con người. Các chuyên gia còn dùng CRISPR để tiêu diệt các virus trong heo vốn cản trở việc cấy ghép nội tạng heo vào cơ thể người. Các nhà sinh thái đang nghiên cứu cách sử dụng công nghệ này để bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Họ cũng tính tới phương pháp dùng CRISPR để xóa các gen trong cây trồng thu hút sâu hại, từ đó giúp giảm sự phụ thuộc của loài người vào thuốc trừ sâu độc hại. “Đây là công nghệ phi thường, có rất nhiều ứng dụng. Nhưng nếu bạn định làm gì đó mang tính định mệnh như chỉnh sửa cả một dòng gen, bạn cần có lý do chính đáng” - chuyên gia Eric Lander, Giám đốc Broad Institute of Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ), khẳng định. |