Theo Independent (Anh), các nhà khoa học Mỹ đã bắt đầu quá trình này như một phần trong dự án nghiên cứu nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp trong cấy ghép nội tạng trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học đến từ ĐH California Davis đã tiến hành tiêm các tế bào gốc của người vào phôi heo để tạo phôi người-heo. Phôi người-heo sẽ giống với phôi bình thường nhưng một trong các bộ phận sẽ được hình thành từ tế bào người, nhóm nghiên cứu cho biết.
Một con heo nái mang tế bào phôi của người. Ảnh: BBC
Các phôi heo-người sẽ phát triển trong cơ thể heo nái trong vòng 28 ngày trước khi chu kỳ mang thai chấm dứt và các mô sẽ được lấy ra để phân tích.
Để tạo ra một phôi thai như trên cần hai giai đoạn. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ dùng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR để loại bỏ ADN trong một phôi heo vừa thụ tinh. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm tế bào gốc đa năng (iPS) của con người vào phôi thai.
Các tế bào gốc bên trong phôi thai. Ảnh: AFP
Các nhà khoa học hy vọng các tế bào gốc của người sẽ tận dụng các khoảng trống gen bên trong phôi heo và bộ phận này có thể tương thích với một bệnh nhân nào đó cần cấy ghép.
Tuy nhiên, kế hoạch trên lại gây một số tranh cãi. Năm ngoái, Viện Y tế Quốc gia, cơ quan nghiên cứu y học chính của Mỹ, đã cấm việc gây quỹ cho các thí nghiệm như vậy. Giới phê bình cho rằng nghiên cứu có thể dẫn tới việc phát triển các “trang trại cơ quan người”.
Một số khác lo ngại rằng các tế bào người được cấy vào phôi thai có thể di chuyển tới bộ phận não của heo và có thể biến loài vật này giống người sau quá trình phát triển.