Những gì diễn ra tại châu Âu năm 2015 chứng tỏ một điều Liên minh châu Âu (EU) không miễn dịch với cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu, theo hãng tin Reuters.
Dòng người tuyệt vọng vì chiến tranh và bạo lực ở Syria, Iraq, Afghanistan, vì đàn áp ở Eritrea đã và vẫn tiếp tục bất chấp hiểm nguy vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.
Làn sóng nhập cư năm 2015 đã làm 4.000 người mất mạng trên Địa Trung Hải, và ít nhất 250 người trong tháng 1-2016.
Dù thế, thực tế 1 triệu người may mắn đến được châu Âu đã trực tiếp chỉ ra lo ngại rằng các biên giới châu Âu không còn khả năng ngăn người nhập cư vào châu lục này.
Cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu hiện tại xuất phát từ đâu? Vấn đề ở đây là chính sự hỗn loạn mà dòng người nhập cư tạo ra đã gây nên căng thẳng. Thêm nữa, châu Âu đã nhận thấy mối đe dọa khủng bố xuất hiện nhiều hơn ở thế hệ người nhập cư thứ hai so với thế hệ người nhập cư đầu tiên ở châu Âu.
Bên cạnh đó, các cuộc tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) tháng 11-2015 dấy lên lo ngại các phần tử Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể lợi dụng làn sóng nhập cư hỗn loạn mà trà trộn vào châu Âu thực hiện khủng bố.
Vì căng thẳng, các nhà chính trị châu Âu đã viện dẫn các vụ tấn công tình dục ở Cologne (Đức) và một số nơi khác để chứng minh rằng cơn ác mộng nhập cư sẽ không bao giờ kết thúc và sẽ thay đổi nhanh chóng kinh tế, tôn giáo và văn hóa châu Âu.
Thực ra 1 triệu người nhập cư mong kiếm tìm quyền tị nạn cũng chỉ tương đương 0,2% dân số toàn EU. Gánh nặng ở đây là phần lớn người nhập cư lại chỉ tập trung xin tị nạn ở một, hai nước trong EU. Đức là nặng gánh nhất.
Nhưng nếu tỉnh táo đánh giá thì dù tất cả người nhập cư có tị nạn tại Đức đi chăng nữa thì cũng chỉ tương đương 1,25% dân số Đức, ít hơn nhiều so với người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 3% dân số Thổ Nhĩ Kỳ) và ở Lebanon (chiếm 25% dân số Lebanon).
Đó là chưa nói so với các nước trên, Đức hơn hẳn về tiềm lực, khả năng quản lý và hỗ trợ người tị nạn hòa nhập vào Đức.
Giờ là lúc châu Âu cần nhận ra sự quản lý kém của mình và sự hỗn loạn của làn sóng người nhập cư chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, chứ không phải nằm ở con số người tị nạn.
Một khi đã nhận ra thì sẽ có cách giải quyết. Điều cần thiết là EU phải thống nhất được một chính sách tị nạn chung và phân phối trách nhiệm giải quyết tị nạn một cách công bằng cho các nước thành viên.
Trước mắt cần tạo một lối tiếp cận an toàn và hợp pháp cho người nhập cư vào châu Âu. Đây là giải pháp hai bên cùng thắng. Người nhập cư sẽ không còn phải chịu nhiều rủi ro, còn EU thì có thể kiểm soát nhập cư tốt hơn.
Nếu thỉnh cầu được tị nạn được lắng nghe và giải quyết ngay từ các nước họ đến đầu tiên như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người nhập cư không phải liều mạng đặt cược cuộc sống của mình và người thân trên những con tàu thô sơ lênh đênh Địa Trung Hải tìm tới châu Âu.
Nếu vậy thì có vẻ các nước ban đầu như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon lại nặng gánh quá. Nhưng gánh này sẽ không còn nặng nếu các nước thành viên EU cùng chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ để các nước này có đủ tiềm lực, khả năng xử lý và tái định cư một số lượng lớn người nhập cư.
Trong làn sóng nhập cư lần này, số người tìm kiếm tị nạn thật sự vì chiến tranh, vì đàn áp và mong muốn sẽ quay trở về nước khi tình hình nước nhà ổn định không phải là ít.
Nên chăng EU nên hỗ trợ nhân đạo cho họ nhiều hơn nữa khi họ còn tị nạn ở những nước họ đến đầu tiên, như cung cấp việc làm cho họ, trường học cho con họ để họ không còn nghĩ nhiều đến việc vượt biển sang nước khác.
EU có thể đưa ra các chương trình tái định cư và nhân đạo, thông qua đó đề nghị các nước trên thế giới chia sẻ gánh nặng một cách thiết thực, chứ không phải nghĩ một cách bàng quan đây là vấn đề của riêng châu Âu.
Hiện tại chỉ mới có một số nước như Mỹ, Brazil, Nga, các nước vùng Vịnh có động thái chia sẻ gánh nặng xử lý làn sóng nhập cư của châu Âu.
Để giải quyết nỗi lo phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư đến châu Âu - IS chắc chắn sẽ chưa từ bỏ điều này - thì EU cần thiết phải cải thiện các biện pháp giám sát tốt hơn nữa.
Làm thế nào để giảm bớt sự hỗn loạn của làn sóng người nhập cư trên biển, để dòng người nhập cư vào châu Âu một cách trật tự hơn là một cách để hạn chế các phần tử khủng bố trà trộn.
Một điều quan trọng nữa là EU cần xác định rõ tình trạng người nhập cư tìm đến châu Âu sẽ không bao giờ chấm dứt, từ lâu nay châu Âu vẫn luôn đối mặt với dòng người nhập cư tìm đến vì lý do kinh tế.
Nên có một chính sách nhập cư chung, cùng hợp tác giải quyết là việc cần làm để EU vừa có thể kiểm soát được vấn đề người nhập cư và cũng giữ gìn được uy tín và giá trị của mình.