Chiến trường Nga-Ukraine đang giao tranh ác liệt, Nga mở các hướng tấn công nhằm vào Ukraine. Trò chuyện với Báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng, phân tích rằng đòn quân sự đang được hai bên sử dụng để giải quyết vấn đề chính trị. Đòn phủ đầu của Nga kéo dài hay ngắn tùy thuộc vào “kết quả và hiệu quả” như Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố.
Đòn phủ đầu của Nga
. Phóng viên: Cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra ác liệt, Trung tướng quan sát cuộc chiến này diễn ra như thế nào?
+ Trung tướng Nguyễn Đức Hải: Chiến sự Nga-Ukraine, vấn đề chính không phải do xung đột của nhân dân hai nước mà là giữa ban lãnh đạo hai quốc gia. Hai nước trước đây thuộc Liên bang Xô Viết (Liên Xô), đã ly khai thành các quốc gia độc lập. 30 năm qua hai nước chứa đựng những mâu thuẫn khó giải quyết, khó thống nhất, và hiện tại căng thẳng đang bị đẩy lên đỉnh cao bằng vũ trang. Nguyên do bắt nguồn từ Nga công nhận bán đảo Crimea, và gần đây nhất ngày 21-2, hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk được Nga công nhận là hai thực thể quốc gia độc lập thì xung đột bị đẩy lên đỉnh điểm. Khủng hoảng từ năm 1994 đến nay, lực lượng ly khai liên tục xung đột với Ukraine dẫn đến 14.000 người dân thiệt mạng.
Sau khi được Nga hậu thuẫn, công nhận, hai nước cộng hòa tự trị yêu cầu Nga giúp đỡ bảo vệ người dân phía Đông Ukraine. Nga nhấn mạnh rằng không xâm lược các nước láng giềng khác mà chỉ đáp trả mối đe dọa từ Ukraine. Nga muốn thực hiện phi quân sự tiềm lực quân sự của Ukraine, vì thời gian gần đây Nga hiểu rằng tiềm lực quân sự từ bên ngoài trực tiếp hỗ trợ, hiện đại hóa cho Ukraine.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, trò chuyện cùng phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: AN NHIÊN
Đây là khu vực hết sức rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Nếu Ukraine và Georgia gia nhập NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ làm tăng thêm dấu ấn NATO, tổ chức này có điều kiện để triển khai lực lượng, binh khí sát biên giới Nga. Đây là địa bàn để NATO triển khai lực lượng, binh khí, kỹ thuật đe dọa, uy hiếp đối với Nga. Để loại trừ các vấn đề trên không có cách nào khác Nga đã tiến hành đòn quân sự phủ đầu để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn về chiến tranh xâm lược đe dọa trên tuyến biên giới.
Rõ ràng, để bảo vệ người dân phía Đông Ukraine, Nga đã nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ lâu, khi công nhận Crimea, họ đã chuẩn bị các yếu tố cho chiến sự này, thông qua việc hỗ trợ đắc lực cho lực lượng ly khai tiến hành trường kỳ kháng chiến. Nga nhận thức hai nước thực thể cộng hòa Donetsk và Luhansk có vị trí chiến lược rất quan trọng để bảo vệ Nga từ phía Nam và phía Đông.
Bước thứ hai, Nga và Belarus đã tiến hành tập trận, chính cuộc tập trận này tiếp tục nhận định cách đánh giá tình hình đối với Ukraine, đồng thời triển khai lực lượng, binh khí, kỹ thuật từ phía Bắc.
Thứ ba, thời gian qua Nga bị các nước phương Tây và Mỹ bao vây, cấm vận, cô lập trong thời gian dài, thời gian này Nga đã nỗ lực cũng cố tiềm lực kinh tế, quân sự để không phục thuộc vào bên ngoài. Đây là nhân tố quan trọng để Tổng thống Putin quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nhận định hệ quả có thể nhìn thấy sắp tới, đó là thảm họa của cuộc di tản, tạo nên hậu quả khó lường người dân phải gánh chịu. Ảnh: AN NHIÊN
Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh: Đây là chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ người Ukraine nói tiếng Nga, và là hành động can thiệp tự vệ, không phải tiến công xâm lược.
Đồng thời ông Putin xác định mục tiêu hạn chế, bảo vệ phe ly khai, do đó mục tiêu can thiệp vào Ukraine là nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự, kho tàng vũ khí, nhà máy sản xuất, lực lượng phòng không không quân bằng vũ khí chính xác cao để vô hiệu hóa.
. Chiến sự đang diễn biến gay cấn, liệu Nga có chiếm Kiev và bước tiếp theo là gì?
+ Có thể không nói ra nhưng ông Putin, toan tính sẽ thay một ban lãnh đạo mới thân Nga và biến Ukraine là một nước trung lập để bảo đảm an toàn cho Nga. Chiến dịch sẽ có các giai đoạn gồm:
Giai đoạn 1: chuẩn bị, diễn tập và cơ động lực lượng, tập kết từ ba hướng, hướng Bắc từ Belarus, hướng Đông vùng hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk, hướng Nam từ Crimea.
Giai đoạn 2, sử dụng tác chiến không gian mạng để làm tê liệt hệ thống chỉ huy, các căn cứ và hoạt động quân sự. Đồng thời, sử dụng các giải pháp truyền thông để tố cáo việc can thiệp quân sự vào dân thường là tội ác.
Giai đoạn 3, có thể tiến đánh các lực lượng Ukraine chiếm đóng trong khu vực Nga công nhận. Đó là tiền đồn trên tuyến biên giới, trung tâm chính trị vùng ven có ý nghĩa chiến lược. Đồng thời, tiếp tục làm tê liệt toàn bộ hệ thống sân bay, lực lượng phòng không không quân.
Giai đoạn kế tiếp khống chế các tuyến đường dẫn vào thủ đô, gây bạo loạn, di cư hỗn loạn trong đất nước để xử lý những vấn cốt lõi bảo vệ lợi ích của Nga từ xa.
Vấn đề cơ bản là nhằm thay thế ban lãnh đạo thân Nga - một nước Ukraine trung lập.
Một tòa nhà ở thủ đô Kiev bị phá hủy sau khi trúng pháo kích của Nga ngày 26-2. Ảnh: CNN
Lúc nào sẽ đến hồi kết?
. Trung tướng nhận định lúc nào chiến dịch này sẽ kết thúc?
+ Thời điểm kết thúc chiến dịch này dựa trên “kết quả và hiệu quả” như ông Putin tuyên bố. Theo tôi có thể diễn ra trong một vài tuần và không để kéo dài. Còn ngắn hay dài dựa vào “kết quả và hiệu quả” như ông Putin nói.
Đặc biệt, Tổng thống Nga còn tuyên bố: Nếu các nước bên ngoài can thiệp vào Ukraine sẽ chịu những hậu quả, tổn thất chưa từng có trong lịch sử. Có thể hiểu với tuyên bố đó, Putin sẽ hành động ngay lập tức để ngăn chặn. Tuyên bố như thế Nga có đủ điều kiện không? Theo tôi Nga có đủ điều kiện để thực thi tuyên bố này.
Xét về tương quan, rõ ràng tiềm lực quân sự của đối phương Nga đều hiểu được. Ukraine kém nhiều lần về quân số, chưa kể trang bị vũ khí lạc hậu, dù gần đây Ukraine kêu gọi các nước để hiện đại lực lượng, vũ khí. Nga muốn ngăn chặn các yếu tố này.
Hiện nay các bên đều tuyên bố thương vong, thiệt hại nhưng chưa có kiểm chứng chính xác. Xét yếu tố nội bộ Ukraine hiện đang có vấn đề. Ukraine hy vọng vào hỗ trợ của NATO nhưng thực ra họ chưa phải là thành viên của NATO, cho nên NATO đứng đầu là Mỹ từ trước đến giờ tuyên bố hùng hồn nhưng khi khủng hoảng xảy ra thường ít có sự can dự. May chăng họ điều binh khí kỹ thuật và một phần lực lượng vào các nước thành viên của NATO để bảo vệ đồng minh.
Xe tăng Ukraine tiến về mặt trận ở Luhansk (đông Ukraine) hôm 25-2. Ảnh: AFP
Sự lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài sẽ dẫn đến sự bất ổn, thiếu chủ động, đồng thời Ukraine thời gian dài không tham chiến nên thiếu kinh nghiệm, trong khi Nga đã tham chiến tại Afghanistan, Syria. Như vậy, để thấy rằng Ukraine trên bàn cờ chiến lược đang gặp nhiều khó khăn.
. Trung tướng có bình luận gì vềphản ứng quốc tế trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Liệu có sự can thiệp bên thứ ba?
+ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn cấp nhưng chỉ dừng lại việc kêu gọi các bên kiềm chế, tránh tổn thất cho người dân, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng.
NATO, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để can thiệp, thậm chí rất khó can thiệp vì Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên không thể đưa quân vào để tác chiến với Nga.
Còn Anh, Đức, Canada, Nhật, Mỹ tham vấn Ấn Độ lên án về cuộc chiến, tránh đổ máu cho dân thường, kiềm chế tôn trọng luật pháp quốc tế. Thực tiễn trên chiến trường là sức mạnh quân sự quyết định vào sự thành bại mỗi bên tham chiến. Điều đó đã thể hiện, Nga sử dụng vũ khí công nghệ cao, chính xác vô hiệu hóa hạ tầng quân sự như phòng không không quân Ukraine ngay từ đầu.
Dùng đòn quân sự giải quyết vấn đề chính trị
. Hậu quả cuộc chiến này sẽ là gì đối với người dân và châu Âu thời gian tới?
+ Nhiều quan điểm cho rằng Nga sẽ sa lầy nhưng chưa hẳn. Dĩ nhiên cuộc chiến mỗi bên đều có nhiều thiệt hại. Khi đã chuẩn bị cuộc chiến thì mỗi bên đều có sự chuẩn bị từ trước gồm lực lượng thường trực, lực lượng dự bị, tiềm lực kinh tế. Nhiều năm Nga không phụ thuộc kinh tế các nước, ngược lại châu Âu phụ thuộc phần lớn năng lượng của Nga. Nga còn xuất khẩu năng lượng châu Âu và nhiều nước khác. Như vậy, nếu nói các nước tập trung trừng phạt Nga về kinh tế ít ảnh hưởng đến Nga.
Nhưng hệ quả có thể nhìn thấy sắp tới, đó là thảm họa của cuộc di tản, tạo nên hậu quả khó lường người dân phải gánh chịu. Câu chuyện buộc phải tiếp nhận dòng người di tản để tránh bom đạn, gây nên sự nặng nề cho các nước láng giềng là khó tránh khỏi.
Hồi kết như thế nào để người Ukraine làm chủ đất nước và có ban lãnh đạo thân Nga?
Trên chiến trường, lực lượng của Nga từ nhiều hướng đang hướng đến thủ đô Kiev của Ukraine, mà thực tế đang diễn ra. Belarus dù không tham gia cuộc chiến nhưng là đồng minh của Nga, đây là địa bàn chiến lược để Nga tiến vào Kiev rất gần. Hiện nay hai bên đang giao tranh quyết liệt, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl dù ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng vì nó nằm ở phía Bắc có ý nghĩa chiến lược, nếu đổ bộ đường không để tạo hướng vu hồi và phối hợp với các hướng thì sẽ uy hiếp Kiev rất hiệu quả.
Rõ ràng cuộc chiến hiện nay giữa Nga-Ukraine đang sử dụng đòn quân sự giải quyết vấn đề chính trị.
Xin cảm ơn Trung tướng.