Chiến tranh chực chờ bùng nổ ở Kashmir

Trong bài phát biểu tối 8-8 (giờ địa phương), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định việc hủy bỏ điều 370 trong hiến pháp nước này về quy chế tự trị của vùng Kashmir ngày 6-8 là nhằm giúp người dân nơi đây thoát khỏi “chủ nghĩa khủng bố và ly khai” do Pakistan “xúi giục”. Theo thủ tướng Ấn Độ, quy chế tự trị không mang lại lợi ích gì cho Kashmir ngoại trừ “chủ nghĩa khủng bố, ly khai và tham nhũng”.

Cơ quan an ninh hàng không Ấn Độ cảnh báo các sân bay phải tăng cường kiểm tra an ninh trước nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của những phần tử khủng bố phản đối vấn đề Kashmir.

Các phát ngôn của New Delhi được đưa ra sau khi Islamabad ngày 7-8 tuyên bố trục xuất đại sứ Ấn Độ và triệu hồi đại sứ về nước. Pakistan cũng cho ngừng toàn bộ giao dịch thương mại và phản đối lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cảnh báo quyết định của Ấn Độ đối với Kashmir sẽ thổi bùng xung đột trong khu vực.

Đòn kinh tế của Pakistan: Không đủ lực!

Hiện chưa rõ cụ thể khi nào Islamabad sẽ chính thức tiến hành các hành động trả đũa kinh tế. Dù vậy, giới chuyên gia nhận định hiệu ứng thu được qua hành động này có thể sẽ không được như kỳ vọng do giá trị cán cân thương mại hai nước lâu nay có phần lệch về Ấn Độ. Chuyên gia về Pakistan thuộc viện nghiên cứu Council on Foreign Relations, bà Alyssa Ayres, nhận định việc ngừng giao dịch thương mại lần này của Pakistan là một động thái bất thường chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ hai nước.

“Hành động này sẽ không gây ra ảnh hưởng nào với cả Ấn Độ hay Pakistan. Nhưng dù sao thì tôi vẫn muốn thấy những bước đi ngoại giao mang tính hình thức như vậy hơn là tấn công khủng bố lẫn nhau” - tờ The New York Times dẫn lời bà Ayres cho biết.

Đồng quan điểm, Giám đốc Viện Nam Á (Singapore) Raja Mohan cũng cho rằng những tuyên bố ngoại giao trong trường hợp này không có mang nhiều ý nghĩa. “Điều đáng quan ngại là những gì đang diễn ra ở thực địa” - ông Mohan cảnh báo.

Binh lính Ấn Độ tuần tra ở Kashmir. Ảnh: REUTERS

Giải mã động thái của New Delhi

Hiện hàng chục ngàn binh lính Ấn Độ đã được điều đến Kashmir để thực thi lệnh giới nghiêm bao gồm cắt đứt Internet, điện thoại, sóng truyền hình và hạn chế người dân ra đường, tụ tập đông người nhằm ngăn chặn bất ổn.

Trước đó, vào ngày 7-8, hàng trăm người dân đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối quyết định của New Delhi. Người tham gia tuyên bố sẽ đánh mất bản sắc riêng Kashmir nếu bị đặt dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ. Tính từ ngày 6-8, khoảng 300 người đã bị bắt giam do tỏ ý chống đối.

Được biết khu vực Kashmir là một khu vực với đa số dân cư là các tín đồ Hồi giáo đến từ cả hai bên Ấn Độ và Pakistan. Phản ứng trước động thái mới đây của Thủ tướng Narendra Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền, Islamabad lo ngại đây sẽ là bước mở đầu cho một tiến trình thanh lọc sắc tộc nhằm nhường chỗ cho các tín đồ đạo Hindu, vốn đang là tôn giáo chủ đạo ở Ấn Độ. Tạp chí Vox cho biết ông Modi nhiều lần bị chỉ trích vì đã không can thiệp vào các vụ bạo lực chống lại những người ngoại đạo Hindu, đặc biệt là ở Kashmir.

Từ tháng 5-2015 đến 12-2018, có gần 44 trường hợp tử vong, trong đó có 36 người Hồi giáo, là nạn nhân của những vụ tấn công nói trên theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc.

Ngày 22-7, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông đã được Thủ tướng Narendra Modi đề nghị làm trung gian hòa giải với Pakistan về tranh chấp Kashmir. Tuy nhiên, chính quyền New Delhi đã lập tức bác bỏ thông tin này sau đó. 

“Những người không thuộc đạo Hindu, đặc biệt là các tín đồ Hồi giáo sẽ là những thành phần chịu thiệt thòi nhất. Việc hủy bỏ điều 370 là hiện tượng sinh ra chủ nghĩa dân tộc Hindu đang trỗi dậy ở Ấn Độ. Nó cũng là nỗ lực nhằm sáp nhập vùng đông tín đồ Hồi giáo duy nhất còn lại vào nước này. Người Hindu qua đó sẽ có thể đầu tư, mua đất và làm nhiều thứ khác nữa ở đây” - chuyên gia về Ấn Độ Michael Kugelman thuộc viện nghiên cứu Wilson Center đánh giá.

Theo PGS nhân học Mohamad Junaid tại ĐH Massachusetts (Mỹ), với tất cả diễn biến vừa qua, ông dự đoán chính quyền Ấn Độ đang chuẩn bị cho một kế hoạch lớn hơn rất nhiều sau khi hoàn toàn cách ly Kashmir với thế giới bên ngoài.

Tương tự, tạp chí The Intercept (Mỹ) cũng nhận định các diễn biến căng thẳng đột ngột xảy ra ở Kashmir cần được đặt trong bối cảnh một làn sóng yêu nước mang màu sắc tôn giáo đang trỗi dậy ở Ấn Độ. “Khả năng dùng vũ lực để chiếm lại Kashmir đã nhiều lần được ông Modi nhắc đến cũng như xuất hiện trong tuyên ngôn của đảng Nhân dân Ấn Độ” - tạp chí này cho biết.

Cùng với việc nền kinh tế Ấn Độ đang có dấu hiệu chững lại, tỏ ra cứng rắn trong vấn đề Kashmir sẽ giúp ông Modi củng cố sự ủng hộ của cử tri sau chiến thắng nhiệm kỳ hai.

“Có một khoảng thời gian trước khi Thủ tướng Modi cầm quyền mà những chính sách tương tự về Kashmir sẽ nhận lấy chỉ trích từ một bộ phận tri thức. Bây giờ, thậm chí ngay cả những người ủng hộ cho Kashmir là một phần của Ấn Độ nhưng vẫn được hưởng quyền tự trị sẽ bị cho là không yêu nước” - PGS LHafsa Kanjwal thuộc ĐH Lafayette (Mỹ) cho biết. Ông cũng cho rằng hủy bỏ điều 370 sẽ dẫn tới một thời kỳ đen tối mới trong lịch sử Kashmir.

Thời gian gần đây đã có báo cáo về việc hai bên đang tiến hành chuẩn bị các hoạt động quân sự. Các vụ pháo kích vào đường ranh giới hai phần Kashmir diễn ra thường xuyên hơn và không quân Ấn Độ cũng đã được đặt trong tình trạng báo động. Hồi tháng 2-2019, giữa hai nước đã xảy ra xung đột vũ trang sau khi nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết mà New Delhi cáo buộc là do lực lượng phiến quân Pakistan hậu thuẫn thực hiện.

Quốc tế lên tiếng quan ngại về căng thẳng Kashmir

Ngày 8-8, Liên Hiệp Quốc khẳng định tổ chức này đang giữ liên lạc với Ấn Độ và Pakistan ở các cấp độ khác nhau. Tổ chức này cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không thực hiện các bước có thể ảnh hưởng đến hiện trạng của Jammu và Kashmir.

Trước đó, vào ngày 5-8, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells sẽ tới Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới Kashmir.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 7-8 cũng cho biết ông đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Ông đã nắm rõ được tình hình từ quan điểm của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi các bên cần giữ bình tĩnh để giải quyết mâu thuẫn. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm