Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc mà không có tuyên bố chung. Căn cứ vào các phát ngôn từ hai bên, có thể thấy hai lý do chính khiến Washington và Bình Nhưỡng không thể đi đến thỏa thuận là khác biệt về vấn đề trừng phạt và quy mô giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Bất đồng “hoàn toàn” và “một phần”
Chính ông Trump trong cuộc họp báo tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào chiều 28-2 đã nói Triều Tiên muốn trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn nhưng Mỹ không chấp nhận. Trong khi đó, cuộc họp báo vào nửa đêm 28-2, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nói nước này chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt.
Theo lời ông Ri, hiện có tổng cộng bảy lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Triều Tiên nhưng Triều Tiên chỉ đề xuất gỡ bỏ năm trong số đó. Ông Ri cũng nói nếu các lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ một phần thì Triều Tiên sẽ tháo dỡ vĩnh viễn các cơ sở hạ tầng sản xuất hạt nhân ở khu phức hợp Yongbyon dưới sự giám sát của các chuyên gia người Mỹ.
Về quy mô giải trừ hạt nhân, trả lời phỏng vấn độc quyền của đài Fox News (Mỹ) ngay sau khi rời phòng họp vào trưa 28-2, ông Trump nói Triều Tiên chỉ muốn giải trừ một số khu vực hạt nhân đặc biệt nhưng ông “lại muốn tất cả”. Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cũng cho rằng trong cuộc gặp trên, có vẻ phía Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên từ bỏ nhiều cơ sở hạt nhân hơn là chỉ phá bỏ cơ sở Yongbyon như Triều Tiên đề xuất.
Có lẽ câu hỏi được quan tâm nhất sau khi cuộc gặp ở Hà Nội không ra tuyên bố chung là cơ hội nối lại đối thoại giữa hai nước. Chưa có kế hoạch cho cuộc gặp thứ ba vào thời điểm này nhưng về chính thức, hai bên vẫn cam kết tiếp tục đối thoại.
Tại cuộc họp báo chiều 28-2, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thương lượng. Có mặt tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các nhà thương thuyết Mỹ và Triều Tiên sẽ ngồi lại cùng nhau trong “vài ngày hoặc vài tuần tới để tiếp tục đàm phán”.
Một ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhận định sự kiện này là một cơ hội quan trọng để hai bên tăng cường niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau. KCNA cho biết ông Kim và ông Trump đã đồng ý sẽ giữ liên lạc với nhau vì mục đích giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như để phát triển quan hệ hai nước, đồng thời sẽ tiếp tục “các cuộc đối thoại hiệu quả” nhằm giải quyết các vấn đề được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui trao đổi với báo chí vào nửa đêm 28-2 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Triều Tiên buộc nghĩ lại chuyện đối thoại
Tuy nhiên, vừa có động thái cứng rắn từ Triều Tiên có thể làm lung lay cơ hội duy trì đối thoại. Trao đổi với Yonhap và một số hãng tin Hàn Quốc sau cuộc họp báo vào nửa đêm 28-2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói rằng Bình Nhưỡng buộc phải nghĩ lại chuyện đối thoại về giải trừ hạt nhân với Washington. Bên cạnh đặt câu hỏi về việc cần thiết phải tiếp tục đối thoại với Mỹ, bà Choe còn nói rằng ông Kim có vẻ cũng đã thay đổi suy nghĩ.
Theo bà Choe, lẽ ra Triều Tiên nên được đáp lại tương xứng với hơn một năm ngừng thử các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. cụ thể, nên được dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trong khi LHQ không dỡ bỏ trừng phạt thì Mỹ lại “đòi hỏi một cách hấp tấp” rằng Triều Tiên phải phá hủy các cơ sở hạt nhân và tên lửa.
Cũng theo bà Choe, ông Kim đã đưa ra “đề xuất tốt nhất” là phá hủy khu phức hợp Yongbyon dưới sự giám sát của các chuyên gia hạt nhân người Mỹ. Bà Choe cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump đi quá xa khi ban đầu chỉ nói về việc phá hủy khu phức hợp Yongbyon mà nay lại nói về các địa điểm khác nữa.
Bà Choe còn cho biết bà có cảm giác ông Kim thấy rất khó hiểu với cách Mỹ tính toán với việc Triều Tiên phá hủy cơ sở Yongbyon. Bà Choe nhắc lại thông điệp năm mới của ông Kim, trong đó nhà lãnh đạo này nói rằng Triều Tiên có thể sẽ tìm “con đường khác” thay vì đối thoại với Mỹ vì không còn lựa chọn nào khác, trừ phi Mỹ có các bước đi đáp lại tương ứng.
Bà Choe là nhà ngoại giao kỳ cựu, có thời gian dài phụ trách các vấn đề liên quan đến Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Bà Choe từng tham gia phái đoàn Triều Tiên tham gia cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên vốn đã bị ngưng trệ từ tháng 12-2008. Theo Yonhap, từ phát ngôn của Thứ trưởng Choe, có thể hình dung sự bất mãn của phía Triều Tiên với thái độ của Mỹ tại bàn đàm phán.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định tương lai đàm phán là không chắc chắn khi ông Trump đang bận rộn với hàng loạt vấn đề trong nước và chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới.
Trong khi diễn biến có vẻ bất lợi cho khả năng khôi phục đàm phán thì tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho rằng đàm phán là cách duy nhất để các bên có được hòa bình lâu dài. Triều Tiên là quốc gia có sức mạnh hạt nhân và một khi đối thoại còn tiếp diễn, ông Kim cảm thấy không nhất thiết phải vận dụng năng lực này. Và trên hết, việc dỡ bỏ trừng phạt hay giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ là kết quả của tiến trình xây dựng lòng tin.
Về việc cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội không đưa ra được tuyên bố chung, GS chính trị quốc tế Park Won-gon tại ĐH Toàn cầu Handong cho rằng: “Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, họ chỉ thống nhất chủ trương chung về giải trừ hạt nhân nhưng khi các quan chức và giới chuyên môn gặp nhau để bàn về chi tiết, họ bắt đầu xung đột và tiến triển rất ít”. Việc ông Trump từng nói “không vội” vài ngày trước khi gặp ông Kim lần hai cũng là vì sự khó khăn này. Ngay sau khi có tin cuộc gặp thượng đỉnh không đi đến tuyên bố chung, Trung Quốc ngày 28-2 đã tuyên bố khó khăn trong đối thoại Mỹ-Triều là không tránh khỏi và nước này vẫn hy vọng hai bên sẽ duy trì đàm phán. |