Hãng Reuters hôm 1-12 đưa tin Bắc Kinh gần đây đã giành được chứng nhận từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho Pao Cai, một món rau ngâm từ tỉnh Tứ Xuyên.
Thành tích này được tờ Thời báo Hoàn cầu ca ngợi là “tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu”.
Người Hàn Quốc luôn tự hào về món kim chi của mình. Ảnh: Justin McCurry/THE GUARDIAN
Truyền thông Hàn Quốc đã nhanh chóng chỉ trích tuyên bố này và cáo buộc nước láng giềng đang cố gắng biến kim chi thành một loại Pao Cai do Trung Quốc sản xuất.
Sự việc này thổi bùng ngọn lửa tức giận trên mạng xã hội Hàn Quốc.
“Thật là vô lý! Chính họ mới là kẻ ăn cắp văn hóa của chúng ta” - một người Hàn Quốc bình luận trên Naver, cổng thông tin điện tử phổ biến tại nước này.
“Tôi đã đọc được một câu chuyện trên phương tiện truyền thông rằng Trung Quốc nói kim chi là của họ và họ đang làm tiêu chuẩn quốc tế cho nó, Điều đó thật vô lý. Tôi lo lắng rằng họ có thể ăn cắp Hanbok và các nội dung văn hóa khác, không chỉ kim chi”- cô Kim Seol-ha, 28 tuổi, sống tại thủ đô Seoul cho biết.
Một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc chỉ trích Bắc Kinh đang “nỗ lực thống trị thế giới”, trong khi một số bình luận trên mạng xã hội nêu lên mối lo ngại rằng Trung Quốc đang thực hiện “sự cưỡng bức kinh tế”.
Trong khi đó, trên mạng xã hội Weibo, cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận kim chi là món ăn truyền thống của đất nước họ vì hầu hết kim chi tiêu thụ ở Hàn Quốc được sản xuất tại Trung Quốc.
"Nếu bạn không đạt tiêu chuẩn, thì bạn không phải là kim chi" - một người viết trên Weibo.
Một người khác bình luận: “Ngay cả cách phát âm của kim chi cũng có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc thì còn gì để bàn nữa”.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố rằng tiêu chuẩn ISO được phê duyệt không áp dụng cho kim chi của Hàn Quốc.
“Báo cáo về Pao Cai giành được ISO mà không phân biệt kim chi với Pao Cai của Tứ Xuyên là không phù hợp” - theo tuyên bố.
Liên Hợp Quốc dường như đồng ý rằng kim chi là của Hàn Quốc với việc UNESCO công nhận văn hóa muối kim chi truyền thống Kimjang là di sản văn hóa phi vật thể năm 2013.
Cơ quan này cho biết Kimjang “đóng một phần thiết yếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc, vượt qua sự khác biệt về tầng lớp và khu vực”.