Cựu dân biểu Mỹ kêu gọi khắc phục hậu quả chất da cam

Hai cựu dân biểu Hạ viện Mỹ lên tiếng về chất độc da cam là bà Connie Morella, và ông Bob Edgar.

Trong 10 năm từ 1961 tới 1971, hơn 75 triệu lít chất diệt lá, trong đó có chất da cam/dioxin được quân đội Mỹ và đồng minh rải xuống hàng triệu ha đất rừng và đất trồng trọt của Việt Nam.

Chính phủ Mỹ đã và đang bồi thường cho các cựu binh nước này tham gia chiến tranh Việt Nam vì 15 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, do bị phơi nhiễm dioxin trong khi vận chuyển và sử dụng chất độc này. Con cái của các cựu binh này cũng được chăm sóc y tế.

Cựu dân biểu Mỹ kêu gọi khắc phục hậu quả chất da cam ảnh 1

Hai cựu nghị sĩ Connie Morella và Bod Edgar. Ảnh: NIH, CB2

Tuy nhiên, khoảng 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả 150.000 trẻ em bị nhiễm dioxin từ cha mẹ sau chiến tranh, đang cần được trợ giúp. Chính phủ Việt Nam, một số quỹ của Mỹ và các tổ chức phi chính phủ đã lập nên các bệnh viện và tiến hành các chương trình cứu chữa, nhưng cho tới nay những hoạt động này mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% so với nhu cầu thực tế.

Mặc dù vậy, hai cựu dân biểu Mỹ cho rằng vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam sẽ có được sự tiến triển nếu những hoạt động tích cực như hiện nay được duy trì.

Trong một chuyến thăm Việt Nam gần đây, họ đã tận mắt chứng kiến một tinh thần phối hợp và cộng tác mới giữa hai nước. Tất cả các bên đều đang quyết tâm giảm nhẹ những thiệt hại đối với môi trường và sức khỏe tại Việt Nam do tác động của chất độc da cam.

Hai cựu nghị sĩ Mỹ cũng cho hay các cựu đồng nghiệp của họ ở quốc hội Mỹ đã đồng ý giữ nguyên 18,5 triệu USD dành cho việc cứu chữa nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, bất chấp những khó khăn tài chính mà nước Mỹ đang đối mặt. Việt Nam và Mỹ mới đây còn bắt đầu quá trình tẩy độc da cam ở sân bay Đà Nẵng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ khởi động một dự án tẩy độc mới ở Đà Nẵng có trị giá lên tới 34 triệu USD. Ông David Shear, người đang chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào vị trí đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã cam kết tiếp tục việc hỗ trợ các nạn nhân da cam ở Việt Nam.

Hai cựu dân biểu Mỹ đề nghị nước này nên có một kế hoạch hành động lâu dài, như những gì nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất da cam đã đề ra. Nhóm này gồm các nhà lập chính sách, khoa học và công chúng thuộc cả hai nước, không phân biệt đảng phái. Ngân khoản 30 triệu USD mỗi năm trong vòng 10 năm, theo tính toán của Nhóm, sẽ tạo điều kiện cho các công tác tẩy độc, phục hồi môi sinh và chăm sóc những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam.

Theo Phan Lê (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm