Đảng Dân chủ hài tội ông Trump thế nào trong dự thảo soạn sẵn?

Theo tin từ đài ABC News, ngày 8-1 (giờ địa phương), đảng Dân chủ ở Hạ viện đã bàn khả năng xúc tiến luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ hai. Các nghị sĩ soạn một dự thảo nghị quyết luận tội ông Trump và có thể sẽ đưa ra trước Hạ viện vào đầu tuần sau (ngày 11-1). Toàn thể Hạ viện sẽ bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết này vào giữa tuần tới.

Đảng Dân chủ muốn luận tội “kích động nổi dậy” với ông Trump

Dự thảo nghị quyết luận tội cáo buộc ông Trump phạm tội “kích động nổi dậy”. Cụ thể, dự thảo nghị quyết viết:

Ngày 6-1, thể theo Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ, Hạ viện, Thượng viện đã họp tại tòa nhà Quốc hội để kiểm phiếu đại cử tri. Không lâu trước khi phiên họp chung bắt đầu, Tổng thống Trump đã phát biểu trước một đám đông người ủng hộ ông tập trung gần đó. Tại đó, ông Trump đã nhắc lại các tuyên bố sai trái rằng “chúng ta thắng cuộc bầu cử này, và chúng ta thắng áp đảo”.

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước người ủng hộ gần Nhà Trắng ngày 6-1. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Ông còn cố ý có những phát ngôn khuyến khích – và có thể nhìn thấy trước – hành động vô luật pháp sắp xảy ra ở Điện Capitol. Được Tổng thống Trump kích động, đám đông đã tràn vào tòa nhà Quốc hội một cách vô pháp, gây thương trích cho nhân viên an ninh, đe dọa thành viên Quốc hội và Phó Tổng thống, can thiệp nhiệm vụ trang trọng theo hiến pháp của phiên họp chung nhằm chứng nhận kết quả bầu cử, có các hành động bạo lực, mang tính chết chóc, tàn phá, nổi loạn.

Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đụng độ với lực lượng an ninh khi cố phá rào cản xông vào tòa nhà Quốc hội ngày 6-1. Ảnh: AFP/ GETTY IMAGES

Hành vi của Tổng thống Trump trong ngày 6-1 tương thích với các nỗ lực trước đó của ông nhằm phá hoại và cản trở việc chứng nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống 2020. Trong các nỗ lực trước đó có một cuộc gọi ngày 2-1 trong đó Tổng thống Trump đề nghị Chánh Thư ký bang Georgia – ông Brad Raffensperger “tìm” đủ số phiếu để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Georgia và đe dọa ông Raffensperger nếu ông không làm vậy.

Với tất cả những điều này, Tổng thống Trump đã gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh của nước Mỹ và các thể chế quyền lực. Ông đe dọa tính chính trực của hệ thống dân chủ, cản trở tiến trình chuyển tiếp quyền lực hòa bình. Vì những điều này, ông đã phản bội lại sự tín nhiệm vào ông với tư cách một tổng thống, gây tổn thương cho người dân Mỹ.

Vì thế, Tổng thống Trump, với những hành xử như vậy đã thể hiện rằng ông vẫn là một mối đe dọa với an ninh quốc gia, với dân chủ, và với Hiến pháp, nếu ông ấy được phép ở lại nhiệm sở và hành động không tương thích với quy định luật pháp.

Hạ viện khẩn trương xúc tiến

Hạ nghị sĩ David Cicilline, một trong số tác giả soạn điều khoản luận tội cho biết tiến trình có thể diễn ra nhanh chóng tại Hạ viện. Tính tới chiều 8-1 đã có 140 hạ nghị sĩ Dân chủ ủng hộ ông Cicilline. Chủ tịch Ủy tình báo Hạ viện Adam Schiff ủng hộ luận tội nếu ông Trump không từ chức.

Theo ABC News, trong ngày 8-1 Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) đã có cuộc họp kín qua điện thoại kéo dài với ban lãnh đạo đảng Dân chủ về việc sẽ tiến hành chuyện luận tội thế nào trong chỉ 12 ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở. Theo nguồn tin của ABC News, trong cuộc họp này bà Pelosi đã nhắc đến Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ như một căn cứ luận tội ông Trump.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi họp báo ngày 7-1, một ngày sau khi người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào bạo động trong tòa nhà Quốc hội. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Hiện chưa có thông báo chính thức nào từ văn phòng bà Pelosi liên quan các bước đi tiếp theo của chuyện luận tội. Tuy nhiên bà Pelosi có nói với các nhà báo khi đang trên đường rời khỏi tòa nhà Quốc hội chiều 8-1 rằng: “Quá trình trao đổi của chúng tôi vẫn tiếp tục. Tới thời điểm này chúng tôi có một số phương án”.

Bà Pelosi đã nói bà hy vọng vụ Watergate có thể là một “hình mẫu” cho đảng Cộng hòa để họ thuyết phục, làm áp lực buộc ông Trump từ chức thì sẽ tránh được bị luận tội. Vụ bê bối Watergate xảy ra ngày 17-6-1972, người của Tổng thống Cộng hòa Richard Nixon đã đột nhập vào văn phòng đảng Dân chủ ở khách sạn Watergate để do thám. Cục Điều tra liên bang Mỹ điều tra nhưng kết quả không được công khai dưới áp lực của Nhà Trắng, mãi tới khi báo Washington Post tiết lộ. Quốc hội vào cuộc điều tra. Trước nguy cơ bị phế truất, ngày 9-8-1974 Tổng thống Nixon từ chức.

Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo các thành viên nội các nằm trong đội ngũ kinh tế của ông, ngày 8-1 tại bang Delaware (Mỹ). Ảnh: Chip Somodevilla/GETTY IMAGES

Chiều 8-1, bà Pelosi cũng đã trao đổi với Tổng thống đắc cử Joe Biden về chuyện luận tội Tổng thống Donald Trump. Ông Biden dường như muốn tách mình khỏi chuyện luận tội ông Trump vì theo ABC News khi được hỏi về chuyện này ông chỉ nói: “Quốc hội muốn làm điều gì thì đó là quyền quyết định của họ”, đồng thời nói ông sẽ tập trung xử lý đại dịch.

Theo ABC News, dù Hạ viện có xúc tiến luận tội thì viễn cảnh Thượng viện mở phiên tòa chưa thể nói chắc. Thời điểm này chiếm đa số tại Thượng viện vẫn là đảng Cộng hòa, nhưng cuối tháng này sẽ là đảng Dân chủ, và nhiều ý kiến cho rằng có khả năng khi đó đảng Dân chủ sẽ quyết định mở phiên tòa.

Đáp lại lời bà Pelosi, Phó Thư ký truyền thông Nhà Trắng Judd Deere ra tuyên bố bằng văn bản rằng: “Như Tổng thống Trump đã nói hôm qua, giờ là lúc hàn gắn và thống nhất như một đất nước. Một cuộc luận tội vì động cơ chính trị chống lại một tổng thống, người đã làm rất tốt công việc của mình, trong 12 ngày còn lại nhiệm kỳ của ông, sẽ chỉ gây chia rẽ hơn đất nước vĩ đại của chúng ta”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm