Hội đàm Nga - Mỹ về NATO, Ukraine thu được gì?

Trong cuộc hội đàm kéo dài bảy tiếng giữa Nga và Mỹ tại Geneva (Thuỵ Sĩ) hôm 10-1, Washington và Moscow vẫn chưa thoả thuận được về vấn đề Ukraine và an ninh châu  Âu, đài RT đưa tin.

Trọng tâm của cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov là bàn về đề xuất an ninh 8 điểm mà Moscow gửi cho Mỹ vào tháng 12-2021, trong đó nhấn mạnh yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) không mở rộng về phía đông, kết nạp Ukraine và ngừng triển khai vũ khí ở biên giới Nga.

Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu: "Thật không may, Nga và Mỹ có sự khác biệt lớn trong các cách tiếp cận với vấn đề này. Ở một số điểm về các hành động nên làm, hai bên có quan điểm trái ngược nhau".

Theo ông Ryabkov, đối với Nga, yêu cầu tiên quyết là Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên của NATO vì đây là một vấn đề an ninh quốc gia của Nga.

Ông Ryabkov cho biết ông kiên nhẫn giải thích với người đồng cấp Mỹ rằng Moscow không và không bao giờ có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông giải thích rằng Nga đang huấn luyện quân đội trên lãnh thổ của mình và không có cơ sở nào để nói đó là một "sự leo thang căng thẳng".

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: REUTERS

Ông Ryabkov nói rằng Mỹ đã lắng nghe các đề xuất của Nga nhưng không hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình cũng như các vấn đề chính cần được giải quyết. Ông nói thêm không có điều gì quan trọng hơn việc đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý đối với NATO không mở rộng.

Đối với Ukraine, ông Ryabkov yêu cầu chính quyền nước này phải tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận Minsk và nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đồng thời đảm bảo các quyền dân sự cho các công dân nói tiếng Nga ở các khu vực phía đông Ukraine.

Về phía Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết đoàn đàm phán Mỹ đã kiên quyết hoãn thoả thuận một số đề xuất an ninh của Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Sherman nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai ngăn cản chính sách mở rộng của NATO”.

Trong cuộc gặp, bà Sherman đã yêu cầu Nga phải rút binh lính đang ở sát biên giới Ukraine để giảm leo thang căng thẳng và nêu ra các biện pháp trừng phạt tài chính và các biện pháp khác mà Mỹ sẵn sàng áp lên Moscow nếu Nga tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, bà Sherman ám chỉ đến khả năng hai bên có thể thoả hiệp khi phát biểu Washington sẵn sàng thảo luận về việc triển khai tên lửa ở châu  Âu cũng như hạn chế quy mô và phạm vi các cuộc tập trận.

Binh sĩ Nga tuần tra gần biên giới với Ukraine. Ảnh: MOSCOW TIMES

Theo Reuters, mặc dù không có tiến triển rõ ràng nhưng bầu không khí đàm phán diễn ra rất thân mật.

Bà Sherman gọi đây là một cuộc thảo luận thẳng thắn và đi thẳng vào trọng tâm còn ông Ryabkov bình luận đây là một cuộc thảo luận khó khăn nhưng chuyên nghiệp và Mỹ đã tiếp cận các đề xuất của Nga một cách nghiêm túc.

Vẫn còn khả năng các bên đạt được thoả thuận trong các cuộc họp tiếp theo khi Nga họp với các thành viên NATO tại Brussels vào ngày 12-1 và với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu  Âu (OSCE) tại Vienna vào ngày 13-1 tới.

Ukraine bị bỏ lại bên lề Nga - Mỹ
Ukraine bị bỏ lại bên lề Nga - Mỹ
(PLO)- Việc Kiev không được tham gia đối thoại Nga - Mỹ dù nội dung chủ yếu bàn an ninh cho mình khiến Ukraine rơi vào thế yếu, khả năng vẫn buộc phải tự xoay xở ngoại giao riêng với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm