Kazakhstan tình trạng khẩn cấp, Mỹ bác liên quan, liên quân Nga dẫn đầu sắp vào

Biểu tình phản đối tăng giá xăng ở Kazakhstan từ cuối tuần rồi biến thành bạo động dữ dội, và đến hôm nay kéo theo hàng loạt diễn biến nóng trong nước và quốc tế.

Kazakhstan đã ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc

Theo tin từ đài RT, khuya 5-1 chính phủ Kazakhstan đã ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong nỗ lực kiểm soát bạo động.

Theo đó cảnh sát và binh sĩ sẽ được trao thêm quyền lực để đối phó biểu tình, cho phép áp dụng các hình phạt nặng với người biểu tình vi phạm luật pháp kể cả hình phạt tù dài hạn.

Tình trạng khẩn cấp hy vọng có thể giảm bớt bạo lực tại TP Almaty đông dân nhất nước – thủ đô cũ của Kazakhstan, nơi bị bạo lực biểu tình tàn phá nặng nhất.

Xe cộ bị phóng hỏa trong làn sóng biểu tình phản đối việc tăng giá xăng ở Almaty, Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: GETTY IMAGE /ANADOLU AGENCY

Almaty chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong hai ngày biểu tình qua với hàng loạt tòa nhà chính phủ kể cả dinh tổng thống trước đây bị đốt, sân bay bị chiếm, cửa hàng bị cướp phá.

Liên minh quân sự CSTO Nga dẫn đầu sẽ đưa quân vào

Cuối ngày 5-1, Tổng thống Kazakhstan – ông Kassym-Jomart Tokayev yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO – gồm các nước thuộc Liên Xô cũ là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan) do Nga dẫn đầu đưa lực lượng vào giúp ổn định tình hình, khi “các phần tử khủng bố được nước ngoài đào tạo” đã xâm nhập các cơ sở chiến lược của nước này.

Và Chủ tịch CSTO – ông Nikol Pashinyan thông báo một lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai trong một thời gian “hạn chế” để bình ổn tình hình ở Kazakhstan.

Cuộc tập trận chung Rubezh-2021 của Lực lượng Phản ứng nhanh Tập thể của các quốc gia thành viên CSTO, ngày 7- 9-2021. Ảnh: SPUTNIK/KONSTANTIN MIHALCHEVSKIY

Thủ tướng Armenia  (Armenia là thành viên của CSTO) – ông Pashinyancũng thông báo trên Facebook: “Để đáp lại lời kêu gọi của (Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev) và xem xét mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chủ quyền của Kazakhstan, trong số những thứ khác, do sự can thiệp từ bên ngoài, Hội đồng An ninh Tập thể CSTO đã quyết định cử Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Tập thể đến Cộng hòa Kazakhstan theo Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể ”.

Liên minh quân sự CSTO vẫn chưa công bố quy mô và chi tiết của việc triển khai, nhưng theo ông Pashinyan, binh lính sẽ ở lại Kazakhstan "trong một khoảng thời gian có hạn để ổn định và bình thường hóa tình hình”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang theo dõi chặt tình hình và kêu gọi một giải pháp hòa bình. Điện Kremlin cảnh cáo mọi ý định can thiệp từ bên ngoài và khẳng định Kazakhstan có thể tự giải quyết vấn đề, tuy nhiên không đề cập đến Mỹ.

Mỹ khẳng định mình không liên quan

Trong ngày 5-1, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ đồn đoán từ “một số người Nga không để lộ tên” rằng chính phủ Mỹ đứng đằng sau làn sóng biểu tình bạo lực ở Kazakhstan.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. Ảnh: GETTY IMAGES/WIN MCNAMEE

Bà Psaki nói Nhà Trắng đang theo dõi tình hình và ủng hộ “những lời kêu gọi bình tĩnh, cho phép người biểu tình bày tỏ ý kiến một cách hòa bình, và kêu gọi sự kiềm chế của nhà chức trách”.

Bà Psaki không nhắc cụ thể nhân vật nào ở Nga cáo buộc Mỹ có liên quan đến làn sóng biểu tình ở Kazakhstan.

Giá xăng ở Kazakhstan đã tăng gấp đôi khi bắt đầu năm mới. Lý do vì chính phủ nước này quyết định bỏ chính sách trợ cấp đã duy trì hàng năm nay, để thị trường điều chỉnh giá.

Biểu tình xuất phát từ các địa phương phía tây nam nước này từ ngày 2-1 sau đó lan rộng ra nhiều khu vực khác.

Mặc dù Tổng thống Tokayev đã đồng ý tạm thời khôi phục chính sách trợ giá nhiên liệu và một số yêu cầu khác của người biểu tình, nhưng các cuộc biểu tình không ngừng lại mà ngày càng dữ dội hơn, bùng phát thành bạo loạn khắp cả nước.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm