Biểu tình ở Kazakhstan: Hơn 200 người bị bắt, gần 100 cảnh sát bị thương

Theo Bộ Nội vụ Kazakhstan, có hơn 200 người đã bị bắt giữ, gần 100 sĩ quan cảnh sát bị thương và ít nhất 8 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình nổ ra ở một số khu vực nhằm phản đối sự tăng vọt của giá nhiên liệu ở nước này.

"Các cuộc điều tra đã được tiến hành đối với 13 trường hợp bạo lực nhắm vào các quan chức và các tòa nhà chính phủ. Hơn 200 người đã bị giam giữ vì vi phạm trật tự công cộng" - Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết trong một tuyên bố.

Tức giận vì giá nhiên liệu tăng, các cuộc biểu tình đã liên tục nổ ra tại quốc gia này kể từ khi bước sang năm 2022, yêu cầu chính phủ kiềm chế giá xăng, vốn đã tăng gấp hai lần trong nước, Reuters đưa tin.

Lực lượng cảnh sát phong tỏa một con phố trong cuộc biểu tình ở Almaty, Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình đã xông vào các tòa nhà chính phủ và hô to những khẩu hiệu chống Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.

Ông Tokayev đã phải kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu giúp đỡ vào hôm 5-1 sau khi không thể dập tắt các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày khiến nhiều tòa nhà trụ sở cơ quan nhà nước bị đốt cháy.

Lực lượng cảnh sát có mặt để kiểm soát dòng người biểu tình ở Almaty, Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: REUTERS

Tại TP Almaty, các cuộc bạo loạn nhanh chóng biến thành những cuộc đụng độ giữa nhóm người biểu tình và lực lượng cảnh sát vào đêm 5-1. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi gas và lựu đạn gây choáng để kiểm soát dòng người biểu tình.

Bộ Nội vụ Kazakhstan cho hay những vụ biểu tình bạo lực đã khiến 95 sĩ quan cảnh sát bị thương và 37 xe cảnh sát bị hư hỏng nặng.

Nhiều chiếc xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy trong các cuộc đụng độ giữa hai bên tại Almaty, Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 5-1, đặc biệt ở Almaty và Mangystau, áp đặt lệnh giới nghiêm từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng (giờ địa phương), cấm bán vũ khí, rượu và đạn dược, cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn tập trung đông người. 

Bên cạnh đó, việc ra vào TP Almaty cũng đã bị hạn chế và chỉ có thể di chuyển trong một số khu vực nhất định. Tình trạng khẩn cấp này trước mắt sẽ kéo dài đến ngày 19-1.

Có gần 100 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các vụ đụng độ với người biểu tình ở Kazakhstan. Ảnh: REUTERS

Mỹ phủ nhận việc liên quan đến cuộc biểu tình ở Kazakhstan

Cùng ngày, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã phủ nhận việc chính phủ Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực làm rung chuyển Kazakhstan trong tuần này, cho rằng nhiều “công dân Nga giấu tên” đã cáo buộc sai sự thật về việc Washington gây ra vụ hỗn loạn.

“Nhà Trắng vẫn đang theo dõi các cuộc biểu tình ở Kazakhstan và kêu gọi các bên bình tĩnh, để những người biểu tình có thể lên tiếng một cách hòa bình và các nhà chức trách có thể kiểm soát tình hình” - bà Psaki nói với các phóng viên hôm 5-1.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu hôm 5-1. Ảnh: RT

“Có một số tuyên bố điên rồ từ phía Nga cho rằng Mỹ đứng sau vụ việc này, vì vậy hãy để tôi nói rõ rằng điều đó hoàn toàn sai sự thật và rõ ràng là một phần của kế hoạch đưa thông tin sai lệch của Nga” - bà Psaki tuyên bố.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình các cuộc biểu tình ở Kazakhstan và kêu gọi một giải pháp hòa bình, theo đài RT.

Điện Kremlin đồng thời cảnh sự can thiệp của các nước ngoài vào cuộc xung đột và khẳng định Kazakhstan có thể tự giải quyết các vấn đề của mình. Cả hai tuyên bố đều không đề cập Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm