Khủng hoảng Nga - Ukraine ảnh hưởng ví tiền người dân thế giới thế nào?

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine diễn ra ở một châu lục xa xôi, tuy nhiên hậu quả kinh tế từ nó sẽ tác động đến người dân thế giới vì nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính được kết nối với nhau, theo đài CNN. Hậu quả sẽ còn được cảm nhận rõ hơn một khi xảy ra chuyện Nga tấn công Ukraine.

CNN đưa ý kiến phân tích của nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của Tập đoàn kiểm toán RSM về hậu quả từ cuộc khủng hoảng.

Mất thêm tiền cho xăng dầu. Giá dầu đã tăng trong những tuần gần đây lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2014, một phần do lo ngại diễn biến Nga - Ukraine trở thành xung đột thì có thể làm mất nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Nga là một siêu cường quốc về năng lượng, sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày vào năm ngoái. Ngân hàng JPMorgan cảnh báo rằng nếu bất kỳ dòng chảy dầu nào của Nga bị gián đoạn do khủng hoảng, giá dầu có thể “dễ dàng” vọt lên
120 USD/thùng. Trường hợp xuất khẩu dầu của Nga bị giảm một nửa, giá dầu thô sẽ tăng lên 150 USD/thùng.

Lạm phát tăng cao lịch sử. Lạm phát đã ở mức báo động vì đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể làm cho nó thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo nhà kinh tế Brusuelas, giá dầu tăng thì lạm phát sẽ tăng theo, vì kéo theo đó là hàng loạt chi phí sẽ đội lên theo (năng lượng, điện, di chuyển, sản xuất, hàng hóa…).

Áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn đối với người dân châu Âu, do họ ở gần địa điểm xảy ra khủng hoảng và phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Thị trường nhiễu loạn. Một khi Nga tấn công Ukraine thì kéo theo đó sẽ là một làn sóng bán tháo cổ phiếu, khi các nhà đầu tư đối mặt với khả năng xảy ra cú sốc dầu mỏ, lạm phát cao hơn và một chế độ trừng phạt khó hiểu.

Người dân xếp hàng bên ngoài Đại sứ quán Tajik ở Moscow (Nga). Kinh tế Nga cũng bị tổn thương vì phụ thuộc vào lao động nước ngoài vốn khan hiếm vì đại dịch. Ảnh: BLOOMBERG

Sự suy thoái thị trường kéo dài sẽ quét sạch của cải do các gia đình tích lũy trên thị trường chứng khoán. Bất ổn thị trường cũng có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Về lịch sử, cổ phiếu có tăng trở lại sau khi giảm vì những lo ngại về địa chính trị, mặc dù quy mô tương đối nhỏ. Tuy nhiên, không thể nói chắc thị trường sẽ phản ứng như thế nào trong môi trường hiện tại.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại khi lạm phát trầm trọng thêm và bất ổn gia tăng. Điều này đặc biệt đáng ngại trong bối cảnh kinh tế các nước chưa hồi phục sau thời gian dài tổn thương vì đại dịch.

Chi phí vay cao hơn. Nếu lạm phát tăng thì các chính phủ sẽ ra tay để kiểm soát giá cả. Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng lãi suất sẽ nhanh hơn để hạ nhiệt lạm phát. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm