Cô Lu Weishan, cao 1,65 m, nặng 244 kg, đã nhiều lần cố giảm cân, vừa trải qua cuộc phẫu thuật dạ dày tuần trước ở ChangChun, thủ phủ của tỉnh Jilin phía Đông Nam Trung Quốc.
Dạ dày của cô Lu được chia thành hai túi sau cuộc phẫu thuật ở bệnh viện liên kết Nhật-Trung. Với một túi dạ dày mới nhỏ hơn, cô sẽ cảm thấy no nhanh hơn.
Cô Lu như được thắp lên niềm hy vọng mới sau thời kỳ đau khổ. Cô chỉ nặng 3,75 kg khi mới sinh ra nhưng con số này tăng vọt từ khi cô mắc chứng nghiện đồ ăn.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy no và không thể ngăn được mình tiếp tục nhồi nhét thức ăn” - cô nói.
Lu ăn nhiều gấp hai, ba lần những đứa trẻ khác khi cô còn nhỏ. Cô nặng hơn những bạn đồng trang lứa 15 kg ở trường tiểu học.
Khi vào trung học, cân nặng của cô đã đạt mức 95 kg và con số này tiếp tục tăng lên 149 kg ở trường cao đẳng.
Cô bị tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống bình thường. “Bạn bè của tôi đều đã yêu và lập gia đình, còn tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến điều đó” - cô nói.
Từ những năm 20 tuổi, cô đã cố gắng tập thể dục, ăn kiêng, uống thuốc giảm cân và thậm chí áp dụng phương pháp mát-xa truyền thống của người Trung Quốc nhưng tất cả dường như không hiệu quả.
Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc tại cửa hàng của mẹ mình và những khách hàng luôn cười nhạo cân nặng của cô. “Tôi chỉ biết chờ chết” - cô nhớ lại.
Cô đã trốn trong nhà suốt sáu năm, cho đến tháng trước, khi cô được biết về phương pháp chữa trị đặc biệt cho người béo phì ở Changchun, nơi có cơ sở vật chất hiện đại hơn thị trấn nhỏ mà cô sinh sống. Dù chỉ đi bộ 20 m cũng đã khiến cô mệt mỏi nhưng cô Lu quyết định đi 470 km từ thị trấn Jilin.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận cô Lu bị chứng rối loạn trao đổi chất và bệnh béo phì gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ thống tim phổi của cô.
“Bạn càng phẫu thuận giảm cân sớm thì càng tốt. Nếu không bạn sẽ chết trước năm 40 tuổi” - bác sĩ phẫu thuật của cô Lu - ông Jiang Tao nói.
Người phụ nữ béo nhất Trung Quốc
“Phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày là một phương pháp phổ biến tại Hoa Kỳ. Một chiến lược hạn chế như vậy sẽ giúp Lu giảm từ 60 đến 70 phần trăm cân nặng của mình trong vòng một năm” - ông Jiang nói.
“Hiện tạicô ấy đang làm khá tốt. Cô ấy có thể thức dậy và ăn thức ăn lỏng. Với một chế độ ăn kiêng dinh dưỡng, cô ấy có thể giảm nhiều cân hơn nữa trong tương lai”.
Trung Quốc có 46 trường hợp người trưởng thành mắc bệnh béo phì, số liệu được lấy từ Viện Khoa học xã Hội Trung Quốc.
“Béo phì gây ra những căn bệnh mạn tính. Bệnh nhân càng sớm được nhận điều trị, cơ thể càng chịu ít tổn thương” - ông Jiang cảnh báo.
Sung Liang cân nặng 300 kg là người béo nhất Trung Quốc, anh đã chết vào năm 22 tuổi do chứng suy tim tháng 4-2014.
Cô Lu đã có hy vọng có thể thay đổi được số phận. Cô nói rằng cô sẽ giảm cân nặng của mình về mức bình thường, cô muốn đi du lịch và sau đó là tìm một việc làm và có lẽ là tìm kiếm tình yêu nữa.