Việc giảm mỡ bụng là một trong những mục tiêu rất quan trọng của những người thừa cân, bởi mỡ bụng không chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng và ngoại hình, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, liên quan đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể.
Cạnh đó, đây cũng được coi là mối nguy cơ tiềm tàng gây ra một số bệnh tim mạch hay tiểu đường, ung thư. Có lẽ bạn cũng đã kiên trì thực hiện các chế độ ăn uống và luyện tập để có vòng 2 thon gọn hơn, nhưng hiệu quả giảm mỡ bụng chưa được như ý muốn.
Bạn đừng vội nản lòng, vì không phải lúc nào quá trình
giảm mỡ bụng cũng nhanh chóng như trong các quảng cáo máy tập hay máy massage thần kỳ. Có không ít các nguyên nhân khiến cho việc giảm cân, cụ thể là giảm mỡ bụng của bạn kém hiệu quả, trong đó có nhiều sai lầm mà bạn hoàn toàn có thể khắc phục được.
1. Tuổi tác cũng khiến mỡ bụng tích tụ nhiều hơn
(Ảnh: thenest) Khi bạn giã từ tuổi thanh xuân, thì tỷ lệ
trao đổi chất trong cơ thể giảm nhiều, và lượng calo cần đốt cháy để cơ thể hoạt động cũng giảm đi, từ đó cơ thể tích tụ nhiều năng lượng thừa hơn.
Những người phụ nữ bị tăng cân sau khi mãn kinh cũng có xu hướng bị tích mỡ ở vùng bụng. Nguyên nhân là sau mãn kinh, tốc độ sản sinh hormone estrogen và progesterone đều giảm xuống, khiến cho khả năng đốt cháy mỡ thừa giảm mạnh.
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ chịu án “chung thân” với ngoại hình béo bụng của mình cho đến hết đời, vì các nỗ lực ăn kiêng và giảm cân vẫn có tác dụng, chỉ có điều là sẽ chậm hơn so với khi còn trẻ mà thôi. Chính vì vậy, đừng vội bỏ cuộc, nhưng bạn cũng đừng quá sốt ruột khi muốn giảm mỡ bụng.
(Ảnh: popsugar) Bạn đừng nghĩ rằng chọn một môn thể dục yêu cầu sức bền và tập trong thời gian thật lâu thì có thể có tác dụng giảm mỡ bụng tốt. Những môn thể dục như chạy bộ, đạp xe trong nhà có thể có tác dụng rất tốt cho hệ tim mạch của bạn, nhưng là chưa đủ tác dụng lên vùng cơ bụng. Bạn phải kết hợp cả các môn thể dục sức bền lẫn các môn cường độ nặng như tabata, tập tạ v.v... để tác động đến vùng cơ bụng và cơ lưng.
Trong khi các môn thể dục sức bền có thể giúp bạn đốt cháy calo, thì các môn thể dục cường độ nặng sẽ tác động lên cơ bắp, tăng cơ sẽ làm vùng bụng bạn săn chắc hơn, càng có thêm nhiều cơ thì càng nhiều mỡ thừa bị đốt cháy.
(Ảnh: popsugar) Ngoài ra, bạn phải thực sự tập trung vào các bài tập thể dục này, không chỉ tập hời hợt cho đủ thời gian, mà phải thực sự hoàn thành các động tác một cách chính xác, thực sự dồn năng lượng vào các động tác, không ngại mệt mỏi hay đau đớn.
Các bài tập đem lại cảm giác nhẹ nhàng chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả tốt, thậm chí chẳng đem lại chút thay đổi nào cho số đo vòng 2 của bạn. Bạn hãy nghĩ rằng, sau mỗi buổi luyện tập, bạn càng đổ mồ hôi nhiều, thì thời gian mà bạn phải bỏ ra để có vòng eo thon thả sẽ càng được rút ngắn.
3. Chọn ăn kiêng với thực phẩm chế biến sẵn
(Ảnh: healthline) Không phải cứ ăn rau củ, ngũ cốc hay nước trái cây là sẽ giúp bạn giảm mỡ bụng, mà quan trọng là bạn phải chọn thực phẩm tươi, không qua xử lý công nghiệp.
Nếu bạn ăn bánh mỳ trắng, thì sẽ không dễ giảm mỡ bụng như khi bạn ăn bánh mỳ nguyên cám (có màu nâu), ăn gạo trắng sẽ không tốt bằng ăn gạo lức, tương tự với các loại ngũ cốc khác. Bạn phải ăn rau củ tươi, thay vì ăn các loại rau sấy khô, để giữ được các loại vitamin cần thiết cho quá trình trao đổi chất và thanh lọc cơ thể.
Và hãy chịu khó mua hoa quả tươi về để ép lấy nước, và sau đó lại tốn thêm một chút calo để cọ rửa chiếc máy ép, thay vì uống các loại nước trái cây đóng hộp được đóng mác “thiên nhiên” nhưng thường được pha thêm đường tinh luyện - dạng nước uống này chính là kẻ thù cho quyết tâm giảm eo của bạn.
4. Dù người giảm cân vẫn cần ăn chất béo- nhưng phải chọn đúng kiểu chất béo có lợi
(Ảnh: organicauthority) Những chất béo bão hòa như thịt mỡ hay chất béo trong bơ sữa có thể khiến cơ thể tích tụ thêm mỡ thừa, nên việc hạn chế các loại thực phẩm này là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần có một lượng chất béo nhất định để duy trì các hoạt động cần thiết, và giúp da dẻ mịn màng, vì vậy bạn có thể ăn các loại thực phẩm chứa các chất béo không bão hòa đơn như dầu olive hay trái bơ, hoặc một số chứa chất béo không bão hòa đa (cụ thể là omega-3) như các loại quả họ lạc, hạt hướng dương, cá hồi.
Hấp thụ chất béo từ các loại thực phẩm này sẽ giúp cơ thể có tăng cường khả năng chống viêm, giúp cơ thể khỏe mạnh. Mặc dù vậy, nếu bạn ăn quá nhiều các loại chất béo này thì cơ thể vẫn hấp thụ nhiều calo hơn mức cần thiết, từ đó gây ra tăng cân và tích mỡ bụng. Thế nên đừng quá lạm dụng dầu olive hay trái bơ, cá hồi trong các bữa ăn.
5. Tâm lý căng thẳng cũng khiến bụng béo lên
(Ảnh: sheknows) Những áp lực từ công việc, thu nhập, chi tiêu hay các vấn đề gia đình sẽ không khiến bạn “gầy xọm đi” như cách nói của thế hệ trước. Thay vào đó, bạn thường có xu hướng thèm các món ăn chứa nhiều chất béo, nhiều calo để hệ thần kinh có thêm năng lượng đối phó với cơn căng thẳng.
Kể cả khi bạn không có cảm giác thèm ăn, thì sự căng thẳng thần kinh cũng sẽ kích thích hormone cortisol – một loại hormone có thể kích thích sự tích mỡ và làm tăng kích thước của các tế bào chất béo trong cơ thể.
Chính vì vậy, hãy có chế độ thư giãn thích hợp, chia sẻ các mối lo lắng với chồng và người thân, cũng như sắp xếp thời gian cho các bài tập yoga.
6. Thiếu ngủ không giúp bạn gầy đi
(Ảnh: lirebo) Trong một nghiên cứu kéo dài trong 16 năm với gần 70.000 phụ nữ đã cho thấy, 30% những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có xu hướng tăng hơn 11kg so với những người ngủ 7 tiếng mỗi đêm.
Chính vì thế, đừng nghĩ rằng ngủ 8 tiếng mỗi ngày là lãng phí 1/3 cuộc đời của bạn, trừ khi bạn chấp nhận sử dụng thời gian không ngủ để khoe một vòng 2 “xồ xề”. Hãy tạm biệt những chương trình talk show hay phim truyền hình sau 12 giờ đêm để sớm có vòng eo thon gọn hơn nhé.
7. Gen di truyền đóng một vai trò không nhỏ
(Ảnh: kettlebellexerciseswomen) Nếu bạn đã có một dáng người quả táo bẩm sinh, thì cả cơ và chất béo đều có xu hướng tập trung vào vùng bụng, thay vì vào vùng hông hay đùi. Đây cũng là một cản trở lớn cho việc cố gắng giảm mỡ bụng. Nhưng điều đó cũng có thể khắc phục được không chỉ bằng một chế độ luyện tập thường xuyên hơn, mà còn có thể khắc phục bằng cách lựa chọn trang phục thích hợp.
Hãy chọn áo có vai độn hoặc họa tiết sặc sỡ để làm phần thân trên nổi bật hơn, cùng với chân váy bút chì giúp vòng 3 nhìn có phần nảy nở hơn vùng eo.
8. Đừng coi thường yếu tố bệnh lý
(Ảnh: zipheal) Nếu bạn thấy mình không nằm trong các nhóm trên mà quá trình giảm mỡ bụng vẫn không mấy tiến triển, thì có lẽ bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe. Một trong những nguyên nhân khiến cơ thể tích mỡ vùng bụng chính là khi lượng hormone testosterone tăng cao – triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang, hoặc có dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
9. Bạn đã đủ quyết tâm chưa?
(Ảnh: yoga.org) Chính quyết tâm giảm cân sẽ giúp bạn vượt qua được những yếu tố cản trở lối thoát cho mỡ bụng của bạn, kể cả khi bạn mang những yếu tố tưởng chừng như không thể chinh phục được như tuổi tác, gen di truyền, bệnh lý.
Bạn phải thật quyết tâm thì mới có thể kiên trì theo đuổi chế độ ăn kiêng giàu chất xơ, ít carbohydrate, ít đường trong thời gian thật dài, cùng những bài tập thể dục cường độ cao.
Nếu bạn không có đủ quyết tâm, thì những yếu tố phía trên không phải là nguyên nhân, mà chỉ là cái cớ cho bạn bỏ cuộc. Còn một khi bạn đã đặt mục tiêu nhất định phải đạt được, thì dù là gặp khó khăn trong công việc, thiếu ngủ hay đón sinh nhật tuổi 50 cũng chỉ là một động lực cho bạn tiếp tục giữ vững lối sống lành mạnh của mình./.
Theo ĐẸP/VIETNAM+