Mỹ hơn 77.000 ca nhiễm một ngày, gấp 3 lần tháng trước

Đầu ngày 17-6, Ấn Độ đã báo cáo số ca nhiễm đã tăng lên 1.005.871, biến Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có số ca nhiễm vượt quá một triệu, cùng với Mỹ và Brazil, theo đài CNN.

Ở cả ba quốc gia, đại dịch COVID-19 đang tàn phá các hệ thống chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày của người dân.

Mỹ ghi nhận hơn 77.000 ca nhiễm trong một ngày

Mỹ vừa ghi nhận hơn 77.255 ca nhiễm COVID-19 trong ngày 16-7 một ngày. Đây được biết là mức tăng kỷ lục mà quốc gia này ghi nhận được từ hồi đầu dịch đến nay.

Theo thống kê, chỉ khoảng vài tuần trước, số người nhiễm bệnh chỉ bằng khoảng 1/3 con số hiện nay. Số người nhiễm bệnh của Mỹ đã là 3.576.157, theo dữ liệu thống kê từ Đại học Johns Hopkins.

Mỹ cũng ghi nhận 943 ca tử vong trong ngày 16-7, nâng tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 ở Mỹ lên 138.358.

Một cậu bé mang khẩu trang khi đang đứng làm thủ tục ở sân bay quốc tế Dulles, thủ đô Washington, D.C, Mỹ. Ảnh: REUTERS/ALARABIYA

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, đã có hơn 30 bang của Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tăng kỷ lục. Trong khi đó, 14 bang đã báo cáo số người chết vì COVID-19 hằng ngày trong tháng 7 cao hơn các tháng trước đó.

Trước tình hình đó, Thống đốc bang Colorado Jared Polis, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine và Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson đã ra lệnh buộc người dân đeo khẩu trang, chứ không còn khuyến khích như trước đó, theo hãng tin Reuters.

Trong thông báo mới, bang Colorado yêu cầu người dân phải che mũi miệng tại những khu vực công cộng như văn phòng làm việc, cửa hàng, các địa điểm ngoài trời như bến đợi taxi, xe buýt hoặc khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Trong khi đó, bang Arkansas yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi ra đường và tuân thủ nghiêm khoảng cách xã hội an toàn 2 m.

Thống đốc bang Ohio Mike DeWine cũng mở rộng chỉ thị trước đó, thêm vào một số trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Cả ba thống đốc kể trên trước đây từng phản đối việc quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng, họ thừa nhận rằng không còn lựa chọn nào tốt hơn.

"Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong vì dịch bệnh COVID-19 hiện nay cho thấy rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa" - thống đốc Hutchinson nói trong cuộc họp báo ngày 16-7.

Ở các bang đang bị ảnh hưởng nặng nề như Texas và Arizona, số giường bệnh đang bị thiếu hụt nặng nề. Nhân viên y tế ở nhiều nơi khác phải chuyển đến các bang này để tăng cường.

Trong khi đó, nhiều bệnh viện phải huy động thêm xe tải đông lạnh để chứa thi thể bệnh nhân khi toàn bộ nhà xác đã hết chỗ.

Ấn Độ vượt một triệu ca nhiễm

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế đã báo cáo số ca nhiễm tăng kỉ lục vào ngày 16 và 17-7, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.005.871. Nước này cũng ghi nhận hơn 25.600 trường hợp tử vong.

Trên khắp nước, nhiều bệnh nhân bệnh nặng vẫn bị từ chối nhập viện vì thiếu giường bệnh. Bên cạnh đó, nhân viên y tế và các thiết bị phục vụ chữa bệnh cũng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Khoảng 74 triệu cư dân nghèo nàn ở Ấn Độ đang sống tại những khu ổ chuột đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bởi mật độ dân số ở khu vực này quá cao, thiếu hụt nước sinh hoạt nên việc tuân thủ giãn cách xã hội để phòng dịch là không thể.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một bé trai ở TP Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/GETTY IMAGE/CNN

Ở Brazil, số ca nhiễm cũng đang gia tăng chóng mặt với hàng chục ngàn ca được ghi nhận mỗi ngày. Quốc gia này hiện có khoảng 2.012.151 ca nhiễm bệnh với 76.688 trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người từng đánh giá COVID-19 là “bệnh cúm vặt” đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vào tuần trước. Ông này cũng từng chỉ trích các lãnh đạo địa phương về việc phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh, cho rằng họ chỉ đang thổi phồng số người chết vì dịch bệnh.

Trong khi đó, bộ trưởng y tế lâm thời hiện nay của Brazil là một tướng quân đội không chuyên về y khoa, đặt nền y tế nước này trong tình trạng cực kỳ đáng lo ngại. Trước đó, hai bộ trưởng y tế của Brazil đã từ chức trong vòng một tháng do bất đồng quan điểm về phòng chống dịch với ông Bolsonaro.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm